Chế tạo nhiên liệu từ bã mía
Nguyên liệu bã mía được xử lý bằng phương pháp nổ hơi nước tại Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: sggp.vn |
Lần đầu tiên tại Việt Nam, TS Huỳnh Quyền cùng các cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu công nghệ Lọc hóa dầu (ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) đã thành công trong việc xây dựng quy trình công nghệ tổng hợp butanol nhiên liệu từ bã mía trong phòng thí nghiệm. Đây được xem là cơ sở để tận dụng một lượng lớn bã mía thải ra từ các nhà máy đường của Việt Nam hiện nay.
Theo TS Huỳnh Quyền, trong các loại nhiên liệu sinh học họ alcohol, thì butanol được xem là một trong những loại nhiên liệu có giá trị cao nhất. Cụ thể, so với ethanol, butanol có nhiệt trị (lượng nhiệt sinh ra khi đốt cháy hoàn toàn 1kg nhiên liệu rắn) cao gấp 1,5 lần.
Bên cạnh đó, butanol có chỉ số RON, MON cao, tiêu thụ oxy khi cháy thấp. Nếu dùng như một phụ gia pha xăng sẽ tăng chỉ số octan, cải thiện khả năng đốt cháy và sử dụng nhiên liệu.
“Kết quả thu được sau đó đạt ngoài mong đợi. Hàm lượng cellulose tăng từ 50% lên 68% sau nổ hơi. Lượng butanol thu được sau cả quy trình cũng khá cao, 6,3 lít butanol nguyên chất/100 kg nguyên liệu bã mía ban đầu. Hoàn toàn đáp ứng yêu cầu mà chúng tôi đề ra từ đầu quy trình nguyên cứu là 3 - 6 lít butanol/100 kg nguyên liệu”, TS Huỳnh Quyền cho biết.
Hướng nghiên cứu này phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp Việt Nam, nhất là lượng bã mía hiện thải bỏ khá lớn. Mỗi năm, sản lượng mía cây là 600.000 - 750.000 tấn, tương đương 174.000 - 217.500 tấn bã (bã mía chiếm khoảng 29% khối lượng mía cây).
Hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Theo đề án này, trong giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam sẽ xây dựng và phát triển các cơ sở sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học trên phạm vi cả nước. Đến năm 2025, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 250.000 tấn, đủ sức pha trộn 5 triệu tấn xăng, dầu E5, B5, đáp ứng 1% xăng dầu cả nước…
ĐĂNG NGỌC
(Tổng hợp)