Chủ Nhật, 16/12/2012, 08:22 (GMT+7)
.

Công bố trang web VietGAP - Trồng trọt

GD
Giao diện trang web chính thức về VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt.  Ảnh: VGP

Ngày 14-12, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố trang web chính thức về VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt tại địa chỉ http://thunghiem.vietgap.gov.vn.

Đây là trang web phổ biến các kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) để xây dựng ngành sản xuất trồng trọt có năng suất, chất lượng, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng.

Nội dung được đưa lên website bao gồm các văn bản pháp luật mới; những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan; thông tin, tài liệu, hình ảnh trong lĩnh vực trồng trọt.

Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Giám đốc Hợp phần thể chế của Dự án QSEAP cho biết, sản xuất theo VietGAP đã dần đi vào cuộc sống, bước đầu đã có nhiều mô hình đạt hiệu quả trong việc gắn sản xuất với tiêu thụ.

Việc xây dựng trang web này là nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm thúc đẩy thực hành nông nghiệp tốt và sản xuất nông nghiệp an toàn. Giúp cho người dân có thể tiếp cận một cách thuận lợi nhất những thông tin về an toàn thực phẩm trồng trọt có kiểm chứng của các cơ quan quản lý Nhà nước, mà trực tiếp sẽ là các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở địa phương.

Đối với hoạt động chứng nhận VietGAP, theo ông Phạm Đồng Quảng, các tổ chức chứng nhận VietGAP sẽ sử dụng website như một phần mềm tương tác trong nghiệp vụ của mình thông qua việc cấp mã số chứng nhận VietGAP tự động. Mỗi tổ chức chứng nhận được chỉ định sẽ được cấp một tài khoản và mật mã để sử dụng.

Thông tin về quá trình đánh giá, chứng nhận VietGAP trồng trọt sẽ được lưu ở tài khoản của mỗi tổ chức, mã số chứng nhận và thông tin liên quan đến giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp cho cơ sở sẽ được thực hiện một cách thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt có thể nắm được tình hình đánh giá, cấp chứng nhận của các tổ chức chứng nhận VietGAP đối với từng cơ sở sản xuất đăng ký. Đây là một trong những điểm khác biệt nổi trội của website này.
 
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích cây trồng sản xuất theo VietGAP hoặc các GAP khác trên toàn quốc đạt trên 75.000 ha. Trong đó, có khoảng 15.000 ha rau quả, chè, lúa sản xuất theo VietGAP hoặc theo hướng VietGAP; trên 60.000 ha cà phê, ca cao được chứng nhận 4C, UTZ Certified; gần 2.000 ha chè được chứng nhận Rain Forest và trên 500 ha được chứng nhận GlobalGAP.

Đ.NGỌC

(Tổng hợp)

.
.
.