Thứ Bảy, 12/01/2013, 08:14 (GMT+7)
.

Biện pháp quản lý bệnh đạo ôn trên cây lúa

Bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia oryzae gây ra, là một trong vài loại dịch hại nguy hiểm đối với cây lúa ở nước ta và nhiều nước khác trong khu vực. Nấm bệnh có thể tấn công trên lá, trên cổ bông (cổ gié) hoặc trên hạt.

TRIỆU CHỨNG

Trên lá: Bệnh hại chủ yếu ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh, cổ bông và hạt . Lúc đầu vết bệnh chỉ nhỏ như đầu mũi kim, màu xám xanh giống như bị nước sôi, sau chuyển sang màu nâu, rồi lan rộng dần ra thành hình thoi, xung quanh màu nâu đậm, giữa màu xám trắng. Nếu nặng, nhiều vết liên kết lại với nhau tạo thành mảng lớn, có thể làm lá bị khô cháy, cây lúa lụi tàn, gây thất thu năng suất nghiêm trọng.

Bệnh đạo ôn trên lúa. Ảnh: vaas.vn
Bệnh đạo ôn trên lúa. Ảnh: vaas.vn

Trên  cổ bông (cổ gié) : Nếu nấm bệnh tấn công trên cổ bông, sẽ cản trở việc vận chuyển chất dinh dưỡng từ cây lúa lên nuôi bông, nuôi hạt, hạt lúa sẽ bị lép lửng. Nếu bệnh tấn công sớm có thể làm cho hạt lúa bị lép hoàn toàn.

Chỗ bị bệnh lúc đầu có màu xám xanh, sau chuyển dần sang màu nâu, nâu đậm. Nếu ẩm độ không khí cao, chỗ vết bệnh sẽ mọc một lớp nấm mốc màu xám xanh, dễ bị gãy, làm ruộng lúa trở nên xơ xác.

Trên hạt: Vết bệnh có hình tròn, viền nâu, tâm màu xám trắng, đường kính khoảng 1 - 2mm, làm hạt lúa bị lem lép; Nếu bị bệnh sớm, hạt lúa có thể bị lép hoàn toàn.

BIỆN PHÁP QUẢN LÝ

- Gieo trồng giống kháng bệnh. Nên mua giống xác nhận ở những cơ sở tin cậy như các viện nghiên cứu, công ty hoặc trung tâm giống…

- Không gieo trồng giống nhiễm bệnh, không lấy lúa ở những ruộng đã bị bệnh đạo ôn ở vụ trước để làm giống cho vụ sau.

- Không gieo sạ quá dầy, mỗi ha chỉ gieo sạ từ 100 - 120kg, nếu dùng máy sạ hàng chỉ töø 70 - 80kg.

- Không bón quá nhiều phân đạm, nhất là thời kỳ cuối đẻ nhánh và trước, sau trổ. Phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali. Nên bón theo bảng so màu lá lúa để cây lúa luôn khỏe mạnh, không bị đỗ ngã, có sức chống đỡ với bệnh.

- Kiểm tra ruộng lúa thường xuyên để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trị bệnh kịp thời. Nếu phát hiện có bệnh mà thời tiết đang phù hợp cho bệnh (trời lạnh, đêm và sáng sớm có nhiều sương mù, hoặc trời có mưa nhỏ xen kẽ, ban ngày trời âm u ít nắng…) thì phải ngưng bón đạm, không để ruộng bị khô nước và tiến hành phun xịt thuốc kịp thời. Các hoạt chất để phòng trị là Isoprothiolane ,Tricyclazole…

-  Cần phun ướt đều bộ lá. Nếu trời nhiều sương thì đợi khi ráo sương rồi mới phun, nên phun vào buổi sáng. Nếu ruộng bị bệnh gây hại nhiều, thì phun tiếp lần 2 sau lần 1 khoảng 7 - 10 ngày.

- Khi lúa trổ khoảng 7-10 %, nếu thấy thời tiết thuận lợi cho bệnh, thì dùng những loại thuốc đặc trị phun  ngừa khô cổ bông và  hạt lúa. Phun tiếp lần 2 khi lúa vừa trổ xong (phun vào sáng sớm hoặc chiều mát để không ảnh hưởng đến thụ phấn của bông lúa).

- Tuyệt đối không pha thêm những loại phân bón lá có tỷ lệ đạm cao phun xịt cùng với thuốc. Để thuốc bám dính tốt, không phun xịt khi lá lúa còn ướt sương hoặc nước mưa.

Chi Cục BVTV Tiền Giang
 

.
.
.