Nghiên cứu dự báo xu thế biến động cửa sông và đường bờ biển
Các nhà khoa học của Viện địa chất đã xây dựng thành công sơ đồ dự báo xu thế biến động cửa sông và đường bờ biển vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đây là một trong những kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu biến động cửa sông và môi trường trầm tích Holocen - hiện đại vùng ven bờ châu thổ sông Cửu Long, phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội”, do PGS.TSKH. Nguyễn Địch Dỹ làm chủ nhiệm.
Một cửa sông đổ ra biển Tân Thành ở Gò Công. Ảnh: Hữu Chí |
Sơ đồ được xây dựng với tỉ lệ 1:200.000 cho toàn vùng nghiên cứu, bao gồm 9 cửa sông; tỷ lệ 1:50.000 cho 3 cửa sông (Tranh Đề, Định An, Hàm Luông). Các đối tượng dự báo xu thế biến động: cửa sông và đường bờ gồm vùng cửa sông; đường bờ biển cũng như hình thái vùng cửa sông trong sự phát triển chung của ĐBSCL; biến động đường bờ; biến động của các dải cát ngầm và hình thái của các cửa sông. Với tính chất của dự báo dựa theo chu kỳ hoặc không theo chu kỳ, dự báo ngắn hoặc dài, phương pháp chính là dự báo theo kịch bản và theo giải đoán hình ảnh viễn thám.
Dưới tác động của động lực sông, triều và sóng cùng với các tác động nhân sinh diễn ra ngày một gia tăng, đường bờ biển và cửa sông vùng ven biển ĐBSCL đã có những biến động khá phức tạp. Tùy thuộc vào nguồn cung cấp vật liệu, lắng đọng trầm tích và động lực môi trường mà diễn ra quá trình bồi tụ hay xói mòn bờ.
Những biến động đó diễn ra liên tục trong quá khứ cũng như hiện tại và sẽ còn diễn ra trong tương lai, nhất là trong bối cảnh mực nước biển ngày một dâng cao bởi biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của tác động con người ngày càng gia tăng (quai đê lấn biển, khai thác và chỉnh trị dòng sông, nuôi trồng thủy sản...).
Do đó, nghiên cứu xác định quy mô, xu hướng biến động các vùng cửa sông nhằm phục vụ định hướng quy hoạch, khai thác hợp lý và chỉnh trị có hiệu quả các cửa sông ven biển ĐBSCL là một nhiệm vụ có ý nghĩa cả về khoa học cũng như thực tiễn, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội các vùng ven biển.
ĐĂNG NGỌC
(Tổng hợp)