Thứ Hai, 11/02/2013, 12:23 (GMT+7)
.

Quản lý dịch hại trên lúa đông xuân vào dịp Tết

Lúa đông xuân của tỉnh đã xuống giống trên 80.000ha. Đa số diện tích lúa đang ở giai đoạn đứng cái - làm đòng: 37.194 ha, giai đoạn trổ: 29.486 ha, giai đoạn chín: 11.030 ha. Hiện nay lúa đang sinh trưởng tốt.

Với điều kiện thời tiết sáng sớm có sương mù, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển, nhất là rầy nâu, bệnh cháy lá (đạo ôn), sâu cuốn lá nhỏ, đặc biệt là từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.

xc
Bà con nên thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm dịch hại. Ảnh: Vân Anh

Qua các đợt kiểm tra đồng ruộng của Chi cục Bảo vệ thực vật thì hiện nay có nhiều dịch hại đang xuất hiện trên lúa, trong đó cần chú ý các đối tượng sau:

Rầy nâu: 1.786 ha,  rầy đang nở, mật độ trung bình 100 con/m2, chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đứng cái - làm đòng đến trổ - chín tại các huyện: Cái Bè, Tân Phước, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây và TX. Gò Công. Hiện rầy tập trung giai đoạn tuổi 1-2, đặc biệt trên các giống nhiễm như: Jasmine, Nếp, VND 95-20… đang ở giai đoạn làm đòng.

Đây là lứa rầy quan trọng trên lúa đông xuân chính vụ và rơi vào thời điểm chuẩn bị Tết Nguyên đán, do đó nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời, đúng kỹ thuật thì khi mật số rầy cao sẽ ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa đông xuân 2012-2013.

Bệnh đạo ôn cổ bông: Diện tích nhiễm bệnh hiện nay 620 ha, tỷ lệ bệnh 3-5%, chủ yếu trên trà lúa giai đoạn trổ - chín tại các huyện: Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành. Hiện nay nông dân đang phòng trị tích cực. Do tình hình sinh trưởng của phần lớn ruộng lúa hiện nay khá tốt và thời tiết rất thích hợp cho bệnh phát triển nên diện tích nhiễm đang tăng, có khả năng gây hại nếu không phòng trừ kịp thời.

Sâu cuốn lá: Diện tích nhiễm: 1.632 ha, mật độ trung bình 10-15con/m2, chủ yếu giai đoạn tuổi 1, trên trà lúa giai đoạn đứng cái - làm đòng đến trổ tại các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành và TX. Gò Công. Ngoài ra, trong tuần chuột, phèn xuất hiện và gây hại rải rác với tỷ lệ hại thấp trên trà lúa giai đoạn đứng cái - làm đòng đến trổ tại huyện Tân Phước.

Trước tình hình trên, nông dân cần tập trung thăm đồng, kiểm tra mật độ rầy nâu ở thời điểm nầy, nếu phát hiện có rầy nâu mật độ cao thì tiến hành phun thuốc; khi phun thuốc để trừ rầy nâu cần thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”, chú ý là pha đủ lượng thuốc và lượng nước theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bơm nước vào ruộng để rầy tập trung lên trên dễ tiếp xúc với thuốc, hướng vòi phun vào gốc lúa… không phun các loại thuốc có phổ tác dụng rộng ở đầu vụ để tránh bộc phát rầy và một số sâu hại khác ở cuối vụ.

Đối với bệnh cháy lá (đạo ôn) : Nông dân cần bón phân N-P-K cân đối, nhất là không bón thừa phân đạm, không để ruộng khô nước và khi phát hiện bệnh mới xuất hiện thì tiến hành phun thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”, không được sử dụng chung với phân bón lá.

Đối với sâu cuốn lá tuyệt đối không phun ngừa và chỉ phun trị khi mật số sâu cao, ít thiên địch, sâu đã nở ở  tuổi 1-3, phải giữ nước trong ruộng và khi phun phải phun đủ lượng nước theo khuyến cáo thì mới đạt hiệu quả. Đồng thời, nông dân cần theo dõi các hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh của các cấp ngành Nông nghiệp để phòng trừ hiệu quả nhằm hạn chế sự gây hại của sâu bệnh.

Đây là đợt sâu bệnh quan trọng lại rơi đúng vào dịp Tết Nguyên đán, thời điểm nông dân bận rộn nên dễ chủ quan; vì thế các ngành quản lý cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng trước, trong và sau Tết; thông báo kịp thời, chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch hại và biện pháp phòng trừ để nông dân phát hiện sớm và phòng trừ đúng kỹ thuật, đạt hiệu quả, nhằm bảo vệ tốt cây trồng vụ đông xuân 2012-2013.

Chi Cục BVTV Tiền Giang

.
.
.