Thứ Bảy, 16/03/2013, 11:42 (GMT+7)
.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đất lúa ở ĐBSCL

Vừa qua, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Cần Thơ, viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI), viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đã tổ chức hội thảo, đánh giá tác động, sự tổn thương và đề ra hướng nghiên cứu chọn tạo giống lúa thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH).

PGS.TS Võ Công Thành, Phòng thí nghiệm Di truyền - chọn giống (Trường ĐHCT) dành thời gian dài nghiên cứu giống lúa chịu mặn.
PGS.TS Võ Công Thành, Phòng thí nghiệm Di truyền - chọn giống (Trường ĐH Cần Thơ) dành thời gian dài nghiên cứu giống lúa chịu mặn.

Sáu hợp phần nghiên cứu - tìm giải pháp thích ứng điều kiện BĐKH được triển khai tại An Giang (lũ), Bạc Liêu (đất bị xâm ngập mặn), Hậu Giang (đất phèn) và TP. Cần Thơ (đất ngập nước) được Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ theo dự án Clues.

Bốn cơ quan nghiên cứu nói trên đã phối hợp tìm ra các giải pháp kỹ thuật quản lý tài nguyên thiên nhiên, tăng cường khả năng thích ứng của các giống lúa để tăng năng suất (lúa chịu ngập, lúa chịu mặn), đo lường mức độ phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa và thí điểm mô hình mẫu, giúp cho việc đánh giá khả năng chống chịu và tăng khả năng thích ứng của cư dân trong vùng thông qua các “gói giải pháp”.

Trong khi hoạt động nghiên cứu giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu trong tình trạng nguồn kinh phí phân tán, rời rạc thì Dự án Clues, kéo dài từ tháng 3-2011 đến tháng 2-2014 hết sức có ý nghĩa. Dự án này giúp các nhà khoa học nghiên cứu giải pháp tăng cường khả năng thích ứng của các hệ thống canh tác trên nền đất lúa ở ĐBSCL; Đặc biệt coi trọng hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp kiến thức cho nông dân, các cơ quan quản lý nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, trưởng điểm nghiên cứu tại Hậu Giang cho biết, Hậu Giang với đặc điểm là vùng trũng, đất phèn, đất ngập không sâu (từ 50-80cm) thời gian ngập kéo dài, việc nghiên cứu giống chịu phèn, chịu ngập sử dụng phân lân trên đất phèn, cách xử lý rơm rạ sau thu hoạch tránh ngộ độc cho lúa ở vụ tiếp theo đã có những kết quả tốt. Đặc biệt việc chuyển đổi mô hình hai vụ lúa xen một hoặc hai vụ màu sẽ tạo khả năng thích ứng tốt hơn cách sản xuất luân canh ba vụ lúa .

Tuy nhiên, đối với vùng mặn, theo GS.TS Nguyễn Thị Lang, viện Lúa ĐBSCL, các giống lúa hiện tại chỉ chịu được độ mặn 7‰. Giống lúa chịu ngập úng cũng chưa có, hi vọng trong 2 năm tới dự án sẽ chọn tạo thành công các giống lúa có đặc tính thích ứng vùng mặn, ngập úng.

(Theo sgtt.vn)

.
.
.