Thứ Năm, 07/03/2013, 09:56 (GMT+7)
.

Cách phòng, chống dịch tai xanh ở heo

Hiện dịch tai xanh trên đàn heo đang lây lan tại một số địa phương trên cả nước, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Vậy làm cách nào để phòng, chống được dịch tai xanh có hiệu quả?

Thạc sĩ thú y Phạm Thành Long, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) có một số hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp như sau:

Nguyên nhân gây bệnh

Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo (PRRS), còn gọi là bệnh tai xanh gây ra bởi virus có cấu trúc gen ARN thuộc giống Arterivirus, họ Arteriviridae, bộ Nidovirales. Virus gây bệnh tai xanh chỉ gây bệnh cho heo (bao gồm heo nuôi và heo rừng), mà không cảm nhiễm và gây bệnh cho các loài thú khác và con người.

Virus gây bệnh tai xanh tồn tại dưới 2 dạng: Dạng cổ điển có độc lực thấp và dạng biến thể có độc lực cao, gây nhiễm và chết nhiều heo. Các ổ dịch heo tai xanh xảy ra tại Việt Nam trong thời gian qua đều do virus thuộc nhóm II dòng Bắc Mỹ.

Vệ sinh tiêu độc thường xuyên là cách phòng chống dịch hiệu quả.
Vệ sinh tiêu độc thường xuyên là cách phòng, chống dịch hiệu quả.

Triệu chứng

Đặc điểm của virus gây bệnh tai xanh là thâm nhập, phá hủy đại thực bào của tổ chức phổi và hạch bạch huyết của heo. Hậu quả là heo mắc bệnh tai xanh sẽ bị suy giảm khả năng miễn dịch và thường bị mắc bệnh kế phát từ các tác nhân gây bệnh khác như dịch tả heo, tụ huyết trùng, phó thương hàn, xoắn khuẩn, liên cầu khuẩn, suyễn, E.coli... Bệnh tai xanh xảy ra ở heo mọi lứa tuổi, nhưng tập trung chủ yếu ở heo nái mang thai và heo con theo mẹ.

Triệu chứng đặc trưng là heo ốm sốt cao trên 40 độ C, biếng ăn, ủ rũ, khó thở, trên da có những vết bầm, thâm tím, một số trường hợp tai tím xanh; heo con theo mẹ, heo nái chửa giai đoạn cuối chết nhanh, chết nhiều hơn so với heo thịt và heo đực giống. Tùy từng loại heo, triệu chứng lâm sàng của bệnh có thể khác nhau.

Phòng bệnh

Các hộ chăn nuôi heo cần thực hiện các biện pháp an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi như thiết kế chuồng nuôi hợp lý, mua con giống có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng tốt, vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên khu vực chăn nuôi, tránh tiếp xúc với động vật cảm nhiễm, hạn chế người ra vào khu chuồng nuôi, vệ sinh phương tiện vận chuyển heo, mua thức ăn cho heo từ các địa chỉ có rõ nguồn gốc.

Tiêm phòng vaccin tai xanh là một trong các phương pháp phòng bệnh hiệu quả. Cần ưu tiên sử dụng vaccin tai xanh tiêm phòng cho heo nái, heo đực giống, vì khi heo nái được chủng vaccin tai xanh, kháng thể từ heo mẹ sẽ truyền cho heo con qua sữa đầu và có thể bảo vệ heo con ít nhất là trong thời gian còn theo mẹ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, kháng thể kháng virus bệnh tai xanh do heo mẹ truyền vẫn còn phát hiện ở heo con từ 8 - 10 tuần tuổi.

Điều trị

Bệnh tai xanh có tốc độ lây lan nhanh, trong vòng 3-5 ngày cả đàn có thể bị nhiễm bệnh. Độ dài của bệnh khoảng 5-20 ngày tùy theo sức khỏe của heo. Virus tai xanh có thể phát tán thông qua các hình thức như: Vận chuyển heo mang trùng, theo gió (có thể đi xa tới 3km), bụi, bọt nước, dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ bảo hộ lao động chứa mầm bệnh, thụ tinh nhân tạo và có thể phát tán bởi chim hoang...

Do vậy cần phát hiện sớm dựa vào các triệu chứng của bệnh đã nêu ở trên, bao vây dập tắt ổ dịch, không để dịch phát tán, lây lan. Đối với heo mắc bệnh chết, phải tiêu hủy và thực hiện vệ sinh tiêu độc chuồng trại nơi có dịch và khu vực xung quanh.

Thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua heo bệnh, sản phẩm của heo bệnh; không bán chạy heo bệnh; không vận chuyển heo bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt bừa bãi xác heo bệnh ra môi trường.

(Theo danviet.vn)
 

.
.
.