Cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên tôm, nhuyễn thể nuôi
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát có Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên tôm, nhuyễn thể nuôi.
Luôn duy trì quạt nước, kiểm tra hàm lượng oxy trong ao và phòng chống dịch bệnh. Ảnh: agriviet.com |
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phải tổ chức kiểm tra chặt chẽ điều kiện sản xuất, kinh doanh; điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở sản xuất tôm giống. Xử lý vi phạm và đình chỉ những cơ sở không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y thủy sản, đảm bảo quy trình ương nuôi sạch.
Tôm bố mẹ nhập khẩu phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu. Đối với tôm thẻ chân trắng phải có giấy phép nhập khẩu. Các trường hợp tự sản xuất tôm bố mẹ để bán ra thị trường khi chưa được Bộ NN&PTNT cho phép hoặc sản xuất tôm giống để bán từ tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc phải bị xử lý nghiêm.
Cùng các giải pháp kỹ thuật, các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và quản lý của Bộ NN&PTNT để lấy mẫu giám sát bệnh xảy ra trên nhuyễn thể. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các cơ sở không đủ điều kiện sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng, vi phạm các quy định về hóa chất, kháng sinh cấm dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Công bố rộng rãi các trường hợp vi phạm, các sản phẩm đang lưu hành ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các cơ sở nuôi trồng thủy sản sử dụng thuốc thú y, hoá chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật không đúng quy định.
Bộ NN&PTNT cho biết, 5 tháng đầu năm 2012, nuôi tôm nước lợ ở các tỉnh ven biển miền Nam và miền Trung bị thiệt hại 22.532ha. Phần lớn tôm bị hội chứng gây hoại tử gan tụy và tập trung ở những diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh.
S.N