Thứ Sáu, 09/03/2012, 20:51 (GMT+7)
.

Cùng các làng nghề tập trung tháo gỡ khó khăn

Ngày 8-3, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tổ chức 3 đoàn công tác đến làm việc với các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Qua nghe báo cáo về những thuận lợi, khó khăn và kiểm tra thực tế sản xuất, lãnh đạo tỉnh đã cho ý kiến giải quyết và ghi nhận các kiến nghị để tìm giải pháp tháo gỡ.

* Đoàn do ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn làm việc tại làng nghề đan lát Tân Phong ( Tân Hội, Cai Lậy).

 Làng nghề Tân Phong được hình thành cách đây trên 50 năm, ban đầu có khoảng 30 hộ với hơn 60 lao động. Đến năm 2003, tỉnh quyết định chính thức thành lập làng nghề.

Để đảm bảo cho làng nghề phát triển ổn định, tỉnh đã đầu tư xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, nước sạch, đào tạo lao động với tổng kinh phí 1,47 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và nhân dân đóng góp. Đến nay, làng nghề có 272 hộ tham gia với 461 lao động, trong đó số lao động trực tiếp đan lát là 190 người trong tổng số 93 hộ chuyên làm nghề đan lát hiện nay.

Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là đan mây khung gỗ, ngăn kéo lục bình khung gỗ, cói xe đan khung sắt… để xuất khẩu với sản lượng trung bình khoảng 200.000 sản phẩm/năm và doanh thu trung bình đạt khoảng 1,9 tỷ đồng. Làng nghề hiện đang rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để khắc phục khó khăn; đồng thời kiến nghị tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật với tổng số vốn ngân sách là 9,376 tỷ đồng.

Ông Dương Minh Điều cùng các thành viên trong đoàn đến tìm hiểu hoạt động của một số cơ sở sản xuất bánh tráng trong làng nghề. Ảnh NGÔ TÔNG
Ông Dương Minh Điều cùng các thành viên trong đoàn tìm hiểu hoạt động của một số cơ sở sản xuất bánh tráng. Ảnh: NGÔ TÔNG

Ông Nguyễn Văn Danh đã đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh phối hợp với lãnh đạo huyện hỗ trợ làng nghề xây dựng mô hình, định hướng, phương án phát triển một cách cụ thể, rõ ràng.

Ông cũng chỉ đạo sớm nghiên cứu hỗ trợ các cơ sở sản xuất của làng nghề về đổi mới công nghệ, cơ giới hóa sản xuất hướng đến sản xuất sạch; tiếp tục đào tạo nghề cho làng nghề; hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, ông đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu ban hành cơ chế chung về phối hợp giữa các sở, ban, ngành tỉnh với các địa phương trong việc củng cố và phát triển làng nghề…

* Cùng ngày, ông Dương Minh Điều, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dẫn đầu đoàn công tác đến làm việc với Làng nghề bánh tráng Hậu Thành (Cái Bè).

Hiện tại, làng có 103 hộ làm nghề tráng bánh với sản lượng bình quân trên 180 tấn/tháng. Thu nhập bình quân một hộ làm nghề mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng. Bên cạnh các lợi thế về sử dụng lao động tại chỗ, vốn đầu tư ít, thời gian thu hồi vốn nhanh, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, làng nghề bánh tráng cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Dương Minh Điều cho rằng, cần phải đánh giá lại hoạt động của làng nghề từ khi được công nhận đến nay; xúc tiến thành lập tổ hợp tác trong làng nghề để tranh thủ sự hỗ trợ từ các ngành, các cấp về vốn, kỹ thuật, công nghệ; cần khai thác thế mạnh theo hướng nâng chất lượng sản phẩm, hướng đến kết hợp với du lịch.

Ông cũng yêu cầu các ngành, các cấp có liên quan quan tâm giúp đỡ làng nghề xúc tiến xây dựng thương hiệu, thương mại; hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề đầu tư máy móc, trang thiết bị mở rộng sản xuất. Việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án theo hướng ưu tiên đầu tư cho làng nghề, nhất là về giao thông, điện, nước phục vụ sản xuất…

* Cũng trong ngày này, ông Trần Văn Bảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và ông Lê Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã đến làm việc với làng chiếu Long Định (Châu Thành).

Được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2004, làng chiếu Long Định hiện có khoảng 60 hộ đang hành nghề, giải quyết việc làm cho 236 lao động thường xuyên và trên 100 lao động thời vụ. Thu nhập bình quân cho 1 lao động trên 18 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, hiện tại hoạt động của làng nghề vẫn còn bấp bênh. Đến nay làng nghề vẫn chưa có quỹ đất để lập sân phơi, kho bãi; không có vùng nguyên liệu ổn định, khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi…

Lắng nghe ý kiến của người lao động cùng lãnh đạo địa phương, ông Lê Văn Hưởng nhận định: Cái thiếu của làng chiếu Long Định hiện tại là khâu tổ chức quản lý; cần có một tổ hợp tác hay HTX đứng ra quản lý cũng như có tư cách pháp nhân cho việc tiếp cận với các nguồn vốn vay.

Ông Hưởng yêu cầu Sở NN&PTNT xem xét đánh giá lại hoạt động của các làng nghề, cuối tháng 3-2012 báo cáo UBND tỉnh để có hướng giải quyết. Đối với những đề nghị của làng chiếu Long Định liên quan đến hạ tầng giao thông, cần xem xét đề xuất nào có trong dự án làng nghề đã được phê duyệt thì sẽ ưu tiên giải quyết trước.

N.VĂN - P.NGHI - D.SƠN
 

.
.
.