Thứ Sáu, 23/03/2012, 16:13 (GMT+7)
.

Anh kỹ sư đam mê vườn ruộng

Dịp kỷ niệm 26-3 năm nay, Tiền Giang có 1 đại biểu thanh niên nông thôn duy nhất vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của. Đây là tặng thưởng cao quý do Trung ương Đoàn trao tặng nhằm ghi nhận và tôn vinh thành tích sản xuất, kinh doanh, góp phần nêu cao tấm gương trí thức trẻ lập thân, lập nghiệp.

Anh Hải bên vườn cam sành xen canh ổi xá lỵ.
Anh Hải bên vườn cam sành xen canh ổi xá lỵ.

Đó là anh Bùi Tứ Hải, sinh năm 1983, hiện cư ngụ tại ấp Lợi Nhơn, xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè - một xã nằm tiếp giáp với huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.   

Năm 2006, Hải tốt nghiệp trường Đại học Cần Thơ chuyên ngành Công nghiệp Thực phẩm. Nhận thấy cơ hội mới về chuyển dịch cơ cấu kinh tế để làm giàu trên những vùng đất thuần nông, cộng với khát vọng của tuổi trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp, Hải về lại Mỹ Lợi B quyết tâm xây dựng mô hình kinh tế mới phù hợp với đặc thù của một xã vùng sâu thuộc Đồng Tháp Mười.

Gia đình Hải có khoảng 4ha đất canh tác, trong đó đất trồng lúa 3,5ha, còn lại là đất vườn rẫy và thổ cư. Đất này thích hợp trồng lúa năng suất cao mỗi năm 3 vụ, trồng cây ăn trái đặc sản như: cam sành, ổi xá lỵ, ổi không hạt... và chăn nuôi gia súc, gia cầm lồng ghép trong mô hình VAC.

Hải kể, giai đoạn đầu, anh thử nghiệm nhiều loại cây trồng, vật nuôi để đúc kết kinh nghiệm. Trong nhà anh thử nuôi gà sao, nuôi nhím, rồi hợp đồng với Công ty Giống cây trồng miền Nam nhân giống lúa mới cấp xác nhận và giống nguyên chủng.

Qua sàng lọc, dựa vào lợi thế vùng nông thôn Mỹ Lợi B, anh chọn con nhím là vật nuôi bởi ưu điểm dễ chăm sóc, thức ăn rau củ quả sẵn có tại chỗ và sinh sản nhiều.

Trung bình, nhím sau 2 năm tuổi đã bắt đầu trưởng thành và sinh sản. Hai năm cho trung bình 5 lứa và mỗi lứa từ 1-2 con. Lúc cao điểm, trong chuồng nhà anh nuôi 11 cặp nhím bố mẹ. Mới đây, anh bán 9 cặp nhím sinh sản thu về trên 300 triệu đồng.

Đối với cây lúa, anh chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp như: chương trình IPM, chương trình “ba giảm, ba tăng”, cơ giới hóa các khâu sản xuất để giảm thất thoát, giảm chi phí sản xuất và tăng nhanh thu nhập.

Anh trồng 3,5ha lúa 3 vụ/năm, đạt năng suất bình quân 62 tạ/ha (1vụ). Anh cho biết, các biện pháp thâm canh giúp nông dân giảm chi phí, tăng được lợi nhuận đáng kể, cũng như cải thiện chất lượng hạt lúa hàng hóa. Đơn cử như sạ hàng và sạ thưa giúp tiết kiệm chi phí về giống.

Vào thời điểm thu hoạch rộ, lúa thường đứng trước nguy cơ mất giá, khó tiêu thụ. Như vụ đông xuân 2011 – 2012, vào đầu vụ, lúa thường có lúc chỉ còn từ 4.000 – 4.200 đồng/kg mà thương lái chẳng chịu mua, nông dân lỗ nặng. Trước tình hình trên, thay vì bán lúa tươi, Hải đem về phơi khô, trữ lại chờ khi lúa có giá mới bán. Chỉ riêng việc này anh đã thu lợi từ 15 – 20 triệu đồng chênh lệch so với khi bán lúa tươi tại ruộng.

Lập vườn trồng cây ăn trái đặc sản cũng là hướng đi mới mà Hải khai phá. Gần đây, nhờ lợi thế các ô đê bao ngăn lũ, bảo vệ sản xuất, Hải mạnh dạn lên liếp lập vườn trên diện tích 5.000 m2 trồng cam sành. Trong vườn cam sành, anh xen canh ổi xá lỵ - đây cũng là cây trồng đặc hữu của vùng ngập lũ Cái Bè có giá trị kinh tế cao.

Ổi xá lỵ có ưu điểm dễ trồng và chăm sóc, sau 6 – 8 tháng trồng đã cho thu hoạch. Năng suất bình quân 30 – 40 tấn/ha trong điều kiện chuyên canh. Trồng ổi xen trong vườn cam sành còn mang lợi ích rất lớn là xua được rầy chổng cánh - nguồn lây virus bệnh vàng lá Greenning tấn công cây ăn trái có múi.

Trong lúc cam sành mới trồng chưa cho thu hoạch thì ổi xen canh bắt đầu cho trái. Trung bình từ 3-5 ngày, anh hái một lần từ 200 – 300kg. Ổi đang có giá, bình quân 6.000 đồng/kg, gấp ba lần cùng kỳ năm trước nên nguồn lợi từ ổi rất lớn.

Từ thử nghiệm đến thành công qua các mô hình, trong các năm qua, anh Bùi Tứ Hải thu lợi nhuận ròng  từ 150 – 170 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ổn định, nhà cửa khang trang, sung túc. Ngoài làm giàu cho gia đình từ khai thác hợp lý nguồn lực đất đai, lao động, cũng như tư duy năng động, sáng tạo, Hải còn hỗ trợ nhiều thanh niên nghèo tại địa phương về cây - con giống, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến. Bình quân giá trị cây - con giống anh giúp đỡ thanh niên không tính lãi lên đến vài chục triệu đồng/năm.

Anh Bùi Tứ Hải đã nêu cao tấm gương tận tụy vì cộng đồng, thiết thực động viên phong trào lập thân, lập nghiệp trong thanh niên nông thôn theo hướng “ly nông bất ly hương”, xứng đáng đại diện lớp trẻ Tiền Giang nhận Giải thưởng danh giá Lương Định Của.                                           

MINH TRÍ
 

.
.
.