Để duy trì và phát triển một làng nghề
Dù đã trải qua bao thăng trầm nhưng người dân ấp Tân Phong, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, vẫn duy trì nghề đan lát truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, trước những biến động của thị trường, người dân làng nghề rất cần những chính sách hỗ trợ phù hợp để tiếp tục duy trì và phát triển.
Bà Hà Thị Hồng, một người dân của làng nghề, đan mây khung gỗ tại nhà |
LÀNG NGHỀ CHUYỂN MÌNH
Làng nghề đan lát Tân Phong được hình thành trên cơ sở nghề truyền thống của người dân địa phương. Ngày trước, đồng ruộng, vườn tược còn hoang sơ, tận dụng nguyên liệu có sẵn như tre, trúc, tầm vông và đôi tay khéo léo, những người thợ miệt vườn đã tạo ra sản phẩm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Từ đó, nghề đan lát phát triển, trở thành nguồn thu nhập chính của người dân xã Tân Phong.
Đầu những năm 1990, nghề đan lát ở Tân Phong qua thời vàng son khi dụng cụ làm bằng tre, trúc không còn tiêu thụ nhiều như trước. Nhiều hộ phải bỏ nghề, làm thuê kiếm sống. Vài năm sau, khi sản phẩm tiểu thủ công nghiệp có thị trường xuất khẩu, với tay nghề sẵn có, người dân Tân Phong chuyển sang gia công các sản phẩm bằng dây cói, mây, lục bình...
Công việc nhẹ nhàng, chỉ cần bàn tay khéo léo nên phù hợp với người lớn và trẻ nhỏ - nhất là phụ nữ nông thôn. Và trên thực tế, nhiều gia đình đã tăng thu nhập nhờ nghề đan lát.
Chị Lê Thị Lan – một người dân làng nghề cho biết: “Theo nghề đan lát từ nhỏ nên khi chuyển sang các mặt hàng thủ công, chúng tôi bắt nhịp rất nhanh. Lúc nông nhàn, nghề này thu hút mọi lứa tuổi lao động trong gia đình”.
Cũng như chị Lan, vợ chồng bà Hà Thị Hồng đã có nhiều năm gắn bó với nghề. Bà Hồng nói: “Nghề này tuy không vất vả, cực nhọc nhưng đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay và phải kiên trì. Những người lớn tuổi như tôi, chỉ bỏ ra thời gian rảnh rỗi mỗi ngày là có thể kiếm thêm chi phí sinh hoạt trong gia đình”.
Để lưu giữ, phát triển nghề truyền thống và góp phần giải quyết việc làm cho người dân nông thôn, năm 2003, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Làng nghề đan lát Tân Phong. Để làng nghề phát triển ổn định, tỉnh đã đầu tư kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng từ ngân sách và nguồn nhân dân đóng góp để xây dựng hạ tầng cho làng nghề.
Quy mô làng nghề được mở rộng với 272 hộ tham gia, gần 500 lao động. Sản phẩm chủ yếu làm bằng nguyên liệu mây, lục bình, cói… phục vụ xuất khẩu với sản lượng trung bình 200 ngàn sản phẩm/năm.
TRĂN TRỞ HƯỚNG ĐI
Nghề truyền thống được duy trì qua nhiều thế hệ nhưng thu nhập hiện nay của những người thợ thủ công tại làng nghề đan lát Tân Phong vẫn là thu nhập phụ, hiệu quả kinh tế từ nghề mang lại không bảo đảm cuộc sống.
Số lao động bám trụ với nghề dần thu hẹp vì thu nhập bình quân mỗi ngày chỉ từ 40.000 - 50.000 đồng, khá thấp so với chi phí sinh hoạt đang ngày một tăng cao. Đó là áp lực đặt ra cho việc duy trì làng nghề.
Ông Nguyễn Văn Tư, Chủ nhiệm Làng nghề đan lát Tân Phong, người gắn bó nhiều năm và có công duy trì làng nghề, phân tích: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn sản xuất và nguyên liệu. Nguyên liệu và công lao động đều phải trả bằng tiền mặt, trong khi chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi khiến lợi nhuận sản phẩm chưa cao. Nguyên liệu phải mua ở các địa phương khác nên sản xuất bị động, nhà kho dự trữ chưa đạt chuẩn nên nguyên liệu hao hụt khá nhiều vào mùa mưa".
Với những khó khăn vừa nêu, tại buổi làm việc với làng nghề đan lát Tân Phong, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh phối hợp với lãnh đạo huyện Cai Lậy hỗ trợ làng nghề xây dựng mô hình, định hướng phương án phát triển trong thời gian tới một cách cụ thể, rõ ràng.
Đồng thời, các ngành chức năng sớm hỗ trợ làng nghề điều chỉnh lại đề án phát triển, đổi mới công nghệ, tiếp tục đào tạo nghề, xây dựng vùng nguyên liệu, thương hiệu và đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.
UBND xã Tân Hội cũng kiến nghị làng nghề đan lát Tân Phong cần được tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo danh mục đầu tư làng nghề giai đoạn 2012 - 2015 và 2016 - 2020 để Đề án phát triển làng nghề đạt kết quả.
Đã đi qua nửa thế kỷ thăng trầm, giữ được nghề truyền thống của địa phương là điều người dân ở làng nghề đan lát Tân Phong rất mong muốn.
QUẾ NGÂN