.
Qua vụ ngừng việc tập thể:

Công nhân và doanh nghiệp cần đạt được sự đồng thuận

Cập nhật: 19:53, 26/03/2012 (GMT+7)

Sau 9 ngày (từ ngày 15 – 24-3) xảy ra vụ ngừng việc tập thể ở Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam (KCN Tân Hương) cho tới nay, mặc dù các ngành chức năng và các bên liên quan có tập trung giải quyết nhưng tình hình vẫn chưa ổn định. Từ khi đi vào hoạt động (khoảng tháng 1-2011) đến nay, đây là vụ ngừng việc tập thể thứ 4 xảy ra ở công ty này và có thời gian kéo dài nhất trong các vụ ngừng việc tập thể xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tổ công tác liên ngành tỉnh làm việc với Ban Giám đốc Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam vào chiều ngày 23-3.
Tổ công tác liên ngành tỉnh làm việc với Ban Giám đốc Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam vào chiều ngày 23-3.

Vụ ngừng việc tập thể ở Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam là từ một nhóm công nhân ở khu A của công ty đã tự ý bỏ xưởng làm việc vào ngày 15-3. Sau đó nhóm công nhân này đã xúi giục, lôi kéo, hăm dọa các công nhân khác của công ty không được vào xưởng làm việc. Từ đó, công nhân (cả khu A và khu B) của công ty đã đồng loạt bỏ xưởng làm việc.

Công nhân đưa ra các yêu cầu đối với công ty là: tăng lương cơ bản thêm 500.000 đồng/người/tháng; cải thiện chất lượng bữa ăn, điều chỉnh việc chi trả và thời gian tăng ca, công bố sản lượng, chấn chỉnh thái độ của cán bộ quản lý.

Mặc dù các ngành chức năng đã hỗ trợ Công ty Dụ Đức ổn định sản xuất, tuy nhiên tình hình ngừng việc tập thể vẫn còn xảy ra. Trước tình hình này, vào ngày 22-3, Ban Giám đốc công ty đã cho toàn bộ 1.800 công nhân ở khu A của công ty nghỉ việc đến ngày 28-3. Riêng công nhân khu B của công ty vẫn làm việc bình thường. Tuy nhiên, vào sáng ngày 23-3, toàn bộ công nhân của khu B cũng bỏ xưởng làm việc.

Trước diễn biến phức tạp của vụ việc, chiều ngày 23-3, tại UBND huyện Châu Thành, Tổ công tác liên ngành tỉnh cùng lãnh đạo UBND huyện đã có buổi làm việc với Ban Giám đốc Công ty Dụ Đức.

Theo nhận định của Công an huyện, vụ ngừng việc tập thể này kéo dài đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, xuất hiện nhiều chuyện không hay như: công nhân đánh công nhân; công nhân quá khích đập phá tài sản của công ty, bao vây các chuyên gia quản lý người nước ngoài đang làm việc tại công ty; một số công nhân hăm dọa đánh và giữ các công nhân khác không cho ra về…

Ngoài những yêu cầu như đã nêu, công nhân Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam còn đưa thêm yêu cầu là công ty phải trả tiền lương trong những ngày ngừng việc. Trong các yêu cầu, chủ yếu là công nhân muốn công ty tăng thêm tiền lương cơ bản lên 500.000 đồng/người/tháng. Bởi qua thăm dò thực tế từ nguyện vọng của nhiều công nhân tham gia ngừng việc thì họ đều cho rằng: “Chỉ cần công ty tăng thêm vài trăm ngàn đồng là chúng tôi có thể trở vào làm việc”.

Ông Nguyễn Minh Vỹ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhận định: Mục đích thương lượng của công nhân đối với công ty trong những ngày qua chủ yếu là đòi tăng lương. Đây cũng là một nguyện vọng chính đáng. Thực tế việc chi trả lương cơ bản cho công nhân của Công ty Dụ Đức là không sai, nhưng nếu so sánh với mức lương cơ bản của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài khác đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì mức lương cơ bản (1.658.000 đồng/người/tháng) mà công ty đang chi trả cho công nhân gần như thấp nhất.

Do đó, công ty cần xem xét lại yêu cầu của công nhân. Còn yêu cầu trả lương trong những ngày ngừng việc của công nhân thì đề nghị công ty xem xét; nếu công nhân ngừng việc bất hợp pháp thì không trả lương, còn nếu công ty cho công nhân nghỉ việc thì phải trả lương.

Theo các ngành chức năng tỉnh, vụ ngừng việc tập thể xảy ra ở Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam là tranh chấp giữa chủ sử dụng lao động và người lao động nên trách nhiệm giải quyết vụ ngừng việc vẫn thuộc về công ty, còn các ngành chức năng tỉnh chỉ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ. Do đó, các ngành chức năng tỉnh đề nghị công ty cần sớm giải quyết vụ ngừng việc trên tinh thần đảm bảo quyền lợi của cả công ty và công nhân, cũng như công ty cần trả lời dứt khoát trước những yêu cầu của công nhân.

Trong khi đó, công văn của Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam gửi UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Ban Quản lý các KCN tỉnh có nêu: Ban Giám đốc công ty sẽ cải thiện chất lượng bữa ăn cho công nhân. Về thái độ quản lý của cán bộ nước ngoài, công ty sẽ xử lý nghiêm khắc. Công ty quyết định không tăng lương theo yêu cầu của công nhân do đơn hàng bị giảm và do suy thoái kinh tế thế giới.

Ban Giám đốc cũng nêu hướng giải quyết là nếu công nhân không chịu làm việc thì có quyền tự xin thôi việc, công ty sẽ thanh toán tiền lương trong vòng 3 ngày và giải quyết cho nhận sổ BHXH theo quy định pháp luật.

Tại buổi làm việc vào chiều ngày 23-3 với Tổ công tác liên ngành tỉnh, đại diện Ban Giám đốc Công ty Dụ Đức vẫn khẳng định không tăng lương theo yêu cầu của công nhân. Nếu xảy ra tình huống xấu nhất thì công ty đóng cửa hoạt động ở khu A.

Mong muốn của Ban Giám đốc công ty là công nhân trở lại làm việc, ổn định sản xuất để có hướng phát triển mới xem xét lại mức lương và cải thiện điều kiện làm việc. Qua diễn biến cho thấy cách giải quyết mâu thuẫn giữa 2 bên cần phải đạt được sự đồng thuận, vì lợi ích của doanh nghiệp và công nhân.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.