Tập trung giải quyết 2 vụ ngừng việc tập thể
Từ ngày 14 đến 17-3, tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Hương (Châu Thành) xảy ra liên tiếp 2 vụ ngừng việc tập thể. Điều đáng nói là đến sáng ngày 17-3, tình hình sản xuất ở 2 công ty này vẫn chưa ổn định do công nhân vẫn chưa trở lại xưởng làm việc.
Vụ thứ nhất xảy ra ở Công ty TNHH Freeview (chuyên may giày thể thao với 100% vốn của Đài Loan) có khoảng 8.000 công nhân tự ý rời khỏi xưởng sản xuất (Báo Ấp Bắc đã có đưa tin phản ánh). Vụ thứ hai xảy ra ở Công ty TNHH Dụ Đức (vốn Đài Loan) cũng chuyên may giày thể thao. Tại công ty này đã có khoảng 4.800 công nhân tham gia ngừng việc tập thể.
Theo thông tin từ Công ty Dụ Đức, vào khoảng 12 giờ ngày 15-3, có khoảng 1.800 công nhân làm việc ở khu A của công ty không trở lại xưởng làm việc. Nhận thấy tình hình công nhân làm việc không ổn định nên Ban Giám đốc công ty cho tất cả công nhân của khu A và khu B xuống ca ra về.
Đến sáng ngày 16-3, khoảng 9 giờ, toàn bộ công nhân của khu A lại tiếp tục tự ý bỏ xưởng làm việc kéo sang khu B xúi giục công nhân bỏ xưởng không làm việc, nếu công nhân nào tiếp tục ở lại làm việc sẽ bị đánh và thực tế đã có trường hợp công nhân bị đánh.
Hoảng sợ nên khoảng 3.000 công nhân của khu B cũng rời khỏi xưởng không làm việc. Khi sự việc xảy ra, lực lượng Công an và các ngành chức năng huyện Châu Thành đã có mặt kịp thời để ổn định tình hình. Đến khoảng 10 giờ 30, Ban Giám đốc Công ty Dụ Đức đã cho toàn bộ công nhân xuống ca ra về.
Ngay sau đó (khoảng 11 giờ ngày 16-3), bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Công đoàn các KCN tỉnh cùng lực lượng CA và các ngành chức năng huyện Châu Thành đã có buổi làm việc với Ban Giám đốc Công ty Dụ Đức.
Tại buổi làm việc, đại diện công ty cho biết, hiện mức lương cơ bản của công nhân đang làm việc tại công ty là 1.658.000 đồng/tháng và thu nhập bình quân khoảng 2,6 triệu đồng/người/tháng. Yêu cầu của hầu hết công nhân tham gia ngừng việc tập trung vào các vấn đề: Tăng lương cơ bản thêm 500.000 đồng; cải thiện chất lượng bữa ăn (suất ăn hiện tại của công ty chỉ 10.000 đồng/suất); không tăng ca; vấn đề công bố sản lượng; thái độ quản lý của cán bộ.
Về phía công ty cũng đã có thông báo (vào ngày 15-3) được phổ biến rộng rãi đến công nhân về hướng giải quyết đối với những yêu cầu của công nhân. Tuy nhiên, công nhân đã không chấp nhận những nội dung trong bảng thông báo của Ban Giám đốc công ty nên tình hình ngừng việc tập thể vẫn diễn ra khá phức tạp vào sáng ngày 16-3.
Sau khi nghe báo cáo tình hình, các thành viên tham gia trong đoàn làm việc của UBND tỉnh đều cho rằng, việc chi trả lương cơ bản của công ty cho công nhân là không sai với quy định nhưng với mức lương cơ bản và thu nhập bình quân như trên sẽ thật khó để công nhân trang trải cuộc sống.
Do đó, công ty cần xem xét thêm các khoản trợ cấp để tăng thu nhập cho công nhân; đồng thời công ty cần tiến hành khảo sát mặt bằng lương của các công ty khác đang hoạt động trong cùng khu vực để có hướng chi trả lương phù hợp, tránh tình trạng so sánh.
Theo bà Trần Kim Mai, Công ty Dụ Đức cần có sự giải thích một cách chân tình với công nhân, người lao động về tình hình khó khăn của công ty để công nhân hiểu và chia sẻ. Bà Trần Kim Mai cũng yêu cầu Công ty TNHH Dụ Đức điều chỉnh ngay chất lượng bữa ăn của công nhân; chấn chỉnh thái độ, tác phong trong quản lý, ứng xử để cải thiện mối quan hệ với công nhân, người lao động; điều chỉnh lại bảng thông báo một cách cụ thể, rõ ràng, tránh gây tình trạng hoang mang, chờ đợi của công nhân...
Bà Trần Kim Mai cho biết thêm, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp hạn chế các vụ ngừng việc tập thể và xây dựng quy chế phối hợp trong giải quyết các vụ ngừng việc tập thể.
PHƯƠNG NGHI