Ba yếu tố căn cơ cho sản xuất lúa trên vùng lũ
Nông dân Tiền Giang vừa khép lại vụ sản xuất lúa đông xuân 2011-2012 với niềm vui lúa trúng đầy đồng, đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay.
Điều này cũng dễ hiểu vì vụ lúa này ở các huyện phía Tây của tỉnh có nhiều thuận lợi do sau mùa lũ đồng ruộng được phù sa bồi đắp, cắt đứt nguồn lưu tồn một số dịch hại chủ yếu. Còn ở các huyện phía Đông của tỉnh, nhất là vùng ngọt hóa Gò Công, nguồn nước nội đồng được cung ứng dồi dào, chất lượng nước đảm bảo tốt cho sản xuất, nông dân không phải lo chống hạn như các năm trước.
Theo Sở NN&PTNT, vụ này toàn tỉnh gieo sạ gần 80.500 hecta lúa, đạt năng suất bình quân 67,7 tạ/hécta với sản lượng ước đạt trên 545.000 tấn.
Giống lúa OM6561 đang được nông dân lựa chọn để thay thế giống IR50404. Ảnh: Công ty TNHH Bình Minh. |
Dẫn đầu về năng suất vẫn là 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy cùng đạt năng suất lúa bình quân 75 tạ/hécta; cá biệt có hộ canh tác giống lúa IR50404 đạt năng suất từ 9 - 9,5 tấn/hécta. Tiếp đến là 2 huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây đạt năng suất bình quân trên 70 tạ/hécta. Ngay như huyện Gò Công Đông ở cuối nguồn ngọt hóa cũng đạt năng suất bình quân 63,25 tạ/hécta (cao nhất 66 tạ/hécta, thấp nhất 62 tạ/hécta).
Tuy nhiên, đối với nông dân vùng lũ thì đây là vụ lúa được mùa lớn nhưng lại kém vui. Do lũ năm 2011 rút chậm, để đảm bảo sản xuất 3 vụ/ năm nên vụ đông xuân 2011-2012 đa số nông dân ở các huyện phía Tây phải sử dụng giống lúa IR50404 có phẩm cấp gạo trung bình (diện tích gieo sạ trên 27.000 ngàn hécta).
Đến khi thu hoạch, mặc dù được tiếng “vô địch” về năng suất nhưng do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, lúa rớt giá, nông dân chỉ bán được lúa tươi tại đồng từ 4.200 - 4.400 đồng/kg (ngày 6-4, tại Cái Bè chỉ còn 4.000 đồng/kg lúa tươi). Do vậy, nông dân trồng lúa ở đây tuy được tiếng làm ra năng suất, sản lượng cao, nhưng lại thu lợi thấp hơn nông dân ở TP. Mỹ Tho và vùng ngọt hóa Gò Công.
Do không bị áp lực của việc canh tác chạy lũ nên nông dân ở các huyện phía Đông có thể lựa chọn các giống lúa có thời gian sinh trưởng dài hơn giống IR50404 từ 5-7 ngày để canh tác. Tuy năng suất không cao bằng IR50404 nhưng đây là các giống lúa hạt dài, chất lượng cao (VND 95-20 và giống tương đương), nếp bè, lúa thơm (VD20, Jasmine 85, OM3536) có thị trường tiêu thụ ổn định và bán được giá, cho bà con thu lợi nhuận khá cao.
Qua thống kê của ngành NN&PTNT: Vụ đông xuân 2011-2012, nông dân trồng lúa IR50404 đạt năng suất bình quân (NSBQ) 75 tạ/hécta, nhưng chỉ thu được lợi nhuận bình quân (LNBQ) 13,7 triệu đồng/hécta; trong khi nông dân ở ngoài vùng ngập lũ có điều kiện canh tác giống lúa thơm VD 20 chỉ đạt NSBQ 6,25 tấn/hécta nhưng cho LNBQ 26,38 triệu/hécta; lúa thơm Jasmine 85 (NSBQ 6,5 tấn/hécta) cho LNBQ 20 triệu đồng/hécta; lúa hạt dài, chất lượng cao, gồm VND 95-20 và giống tương đương (NSBQ 6,8 tấn/hécta) cho LNBQ 18,3 triệu đồng/hécta...
Từ thực tế trên, vấn đề cấp thiết đặt ra là cần có giải pháp căn cơ để tăng lợi nhuận cho nông dân vùng lũ. Trước hết vẫn là giải pháp về giống. Lâu nay, đây là điều “khổ tâm” của nhiều người. Song, đáng mừng là trong nỗ lực của các nhà khoa học chọn tạo giống, hiện nay trên đồng ruộng đã xuất hiện một vài giống lúa mới có triển vọng thay thế cho giống IR50404 (dù cho năng suất chưa thể vượt qua IR50404); trong đó, đáng chú ý là giống OM6561 (mà theo cách gọi dễ nhớ của nông dân huyện Cái Bè là giống lúa AG).
Theo Trạm giống Nông nghiệp thuộc Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè, giống lúa OM6561 có nhiều ưu điểm như: ngắn ngày (thời gian sinh trưởng từ 85-90 ngày), thích hợp với các vụ lúa trong năm; cứng cây, ít đỗ ngã; kháng rầy nâu và bệnh đạo ôn, song nhiễm lúa von (mạ đực) nhưng có thể phòng trị được bằng các loại thuốc trị bệnh cây trồng. Bông to, năng suất trung bình từ 6-7 tấn/hécta, vụ đông xuân từ 7-8 tấn/hécta.
Về phẩm chất thì đây là loại lúa hạt dài, gạo trong, mềm cơm, thơm nhẹ. Trong các vụ sản xuất gần đây, đã có một số nông dân ở các xã: Mỹ Tân, Mỹ Trung, Thiện Trung, Hậu Thành… chọn canh tác giống lúa này (do Trạm Giống cung ứng) thay cho giống IR50404; vụ đông xuân 2011-2012 bán được giá cao hơn IR50404 từ 400-500 đồng/kg lúa khô.
Hiện nay, Trạm Giống Nông nghiệp huyện Cái Bè đang nhân giống OM6561 để cung ứng giống lúa xác nhận cho nông dân các xã trong huyện sản xuất đại trà trong các vụ lúa tới đây.
Ngoài ra, trong vụ xuân hè 2012, Trạm cũng đang nhân giống lúa OM5451 để cung cấp giống lúa xác nhận cho nông dân trong huyện sản xuất. Giống lúa này cũng có nhiều ưu điểm như: Thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày (chỉ dài hơn IR50404 từ 3-5 ngày); cứng cây, ít đỗ ngã; kháng rầy nâu và bệnh đạo ôn; năng suất trung bình 6-7 tấn/hécta, đông xuân 7-8 tấn/hécta; có phẩm cấp gạo tốt hơn IR50404.
Theo Trung tâm Giống Nông nghiệp Đồng Tháp thì đây là giống lúa hạt dài, gạo ít bạc bụng, mềm cơm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Được biết, Sở NN&PTNT cũng vừa chỉ đạo Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh tổ chức nhân và cung ứng cho nông dân các huyện vùng lũ bộ giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 85-90 ngày, trong đó có giống lúa AG.
Đối với nông dân 4 huyện vùng lũ của tỉnh mỗi năm chỉ có quỹ thời gian khoảng 10 tháng để sản xuất 3 vụ lúa (từ trung tuần tháng 11 năm trước đến trung tuần tháng 9 năm sau) thì việc có được giống lúa tốt là điều rất quý.
Song, chỉ có điều ấy không thôi thì vẫn chưa đủ mà còn cần có giải pháp thủy lợi đi kèm. Bao gồm việc phải thường xuyên nạo vét kinh mương nội đồng để chống hạn đầu vụ xuân hè, hè thu và gia cố ô bao ngăn lũ; đảm bảo trong thời gian từ 10-15 ngày đầu lũ về ngăn không cho nước ngoài kinh tràn vào nội đồng để đảm bảo tốt cho việc thu hoạch lúa vụ ba. Tất nhiên là ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện đang nỗ lực triển khai thực hiện việc này.
Được biết, về lâu dài, Ngành NN&PTNT đang nghiên cứu xây dựng các ô đê bao ngăn lũ kiên cố (thay vì ô đê bao lửng như hiện nay), có xây dựng cống lấy và xả nước, kết hợp với việc xây dựng đường giao thông nông thôn. Từ đây, có thể chuyển đổi thời vụ sản xuất ở trong vùng từ làm 3 vụ: đông xuân - xuân hè - hè thu, sang sản xuất 3 vụ: đông xuân - hè thu - thu đông để đảm bảo tăng năng suất lúa và bán được giá.
Việc phát triển sản xuất giúp nông dân trồng lúa ở vùng lũ giàu lên quả là còn có nhiều việc phải làm. Song, hy vọng trong các vụ lúa tới đây, bà con nông dân vùng lũ luôn có được niềm vui “được mùa, được giá”!
NGỌC LAN