Ca cao UTZ Certified: “Cứu cánh” của người trồng dừa
Chương trình ca cao UTZ Certified triển khai từ năm 2010 (thuộc Chương trình Phát triển ca cao chứng nhận gồm UTZ, hữu cơ và thương mại công bằng). Đến tháng 10-2011, Hợp tác xã ca cao (HTX) Chợ Gạo đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn toàn cầu. Lợi ích mang lại từ chương trình được khẳng định, nông dân phấn khởi. Các ngành, các cấp và HTX đang tích cực mở rộng vùng nguyên liệu.
Ông Trần Văn Nhịn, ấp Bình Trung (Thạnh Nhựt, Gò Công Tây) thích thú với chương trình sản xuất ca cao hữu cơ UTZ Certified. |
HIỆU QUẢ ĐA CHIỀU
Anh Nguyễn Trung Hiền, xã Thạnh Nhựt (Gò Công Tây) tham gia dự án ca cao chứng nhận (hữu cơ và UTZ) từ năm 2010. Sau hơn 1 năm tham gia chương trình, vườn ca cao 1 ha xen dừa của anh đã được chứng nhận.
“Lúc đầu bỡ ngỡ nhưng khi được tập huấn, áp dụng, tôi thấy chương trình mang nhiều lợi ích nên rất yên tâm. Chi phí sản xuất ít, lợi nhuận đạt khoảng 70%, lại được bao tiêu 100% sản phẩm, thu nhập trên 40 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể đến qua việc chăm sóc ca cao, cây dừa cũng được hưởng lợi nên năng suất trái cũng nhiều hơn” - anh Hiền cho biết.
Tổ chức HELVETAS (đơn vị hỗ trợ Dự án phát triển ca cao chứng nhận tại Tiền Giang, Bến Tre) cùng các đối tác đã liên hệ và giới thiệu tiềm năng ca cao chứng nhận Việt Nam đến các nhà thu mua quốc tế. Hiện nay, Công ty Cargill đã cam kết thu mua 100% ca cao chứng nhận tại Việt Nam. Công ty Halba (Thụy Sĩ) đang rất quan tâm đến ca cao chứng nhận ở Việt Nam và mỗi năm có thể sẽ mua 1.000 tấn ca cao thương mại công bằng (nếu chất lượng đảm bảo) với giá thưởng khoảng 200 USD/tấn hạt khô. Công ty Ritter Sport cũng đã cử chuyên gia chất lượng cao đến Việt Nam làm việc về phát triển ca cao hữu cơ và mua với giá thưởng 400 USD/tấn hạt khô nếu chất lượng đảm bảo, đạt chứng nhận. Ngoài ra còn nhiều nhà thu mua quốc tế và trong nước quan tâm ca cao chứng nhận và đạt chất lượng theo yêu cầu. |
Tại huyện Chợ Gạo, nơi tập trung diện tích trồng ca cao chứng nhận UTZ, khi hỏi về mô hình, các hộ tham gia đều cho biết hiệu quả mang lại đa chiều.
Anh Phạm Văn Mười, xã Long Bình Điền bày tỏ: “Chúng tôi được tập huấn kỹ thuật chăm sóc như bón phân, tỉa cành, tạo tán, phòng trừ dịch hại… Từ đó, năng suất cho trái của ca cao tăng từ 30-40%. Ca cao UTZ lại được mua cao hơn 200 đồng/kg so với ca cao thường. Sản xuất ca cao UTZ lợi ích đa chiều như thế sao không làm?”.
Không chỉ vậy, theo anh Mười, còn lợi ích lớn khác là môi trường sống được tốt hơn, sức khỏe người sản xuất được đảm bảo, nhất là nhờ bón phân hữu cơ làm cho đất tốt hơn.
Đây là những điển hình trong số 225 hộ với diện tích 147 ha (sản lượng ước 47 tấn ca cao hạt khô/năm) đạt chứng nhận UTZ. Cũng là ngần ấy số hộ đạt hiệu quả kinh tế cao từ trồng ca cao UTZ xen vườn dừa.
Hiệu quả kinh tế từ trồng ca cao UTZ được chứng thực đã thu hút hàng trăm hộ nông dân tham gia. Cụ thể tại xã Long Bình Điền (Chợ Gạo), chỉ trong thời gian ngắn, Câu lạc bộ (CLB) ca cao chứng nhận nơi đây đã tiếp nhận 19 hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ. Huyện Tân Phú Đông cũng vừa thành lập 2 CLB ca cao chứng nhận với 52 hộ tham gia.
Theo thống kê, đến nay chương trình sản xuất ca cao UTZ đã phát triển lên 29 CLB với 555 hộ, diện tích 300 ha canh tác (trong đó 7 CLB thực hiện đồng thời 2 bộ nguyên tắc sản xuất ca cao hữu cơ và UTZ).
HƯỚNG TỚI 1.000 HA TRỒNG CA CAO UTZ VÀO NĂM 2015
Từ hiệu quả tổng hợp, giờ đây, mục tiêu trên đang được hiện thực hóa. Theo Ban Chủ nhiệm HTX ca cao Chợ Gạo, đầu ra của ca cao chứng nhận rất ổn định, đảm bảo thu mua 100% trái ca cao của nông dân và hạt ca cao lên men. Từ tháng 10-2011 (thời điểm đạt chứng nhận) đến nay, HTX đã tiêu thụ được 20 tấn ca cao UTZ với giá cao hơn ca cao thường 200 đồng/kg.
Trong năm 2012, HTX đặt ra mục tiêu tiêu thụ 150 tấn hạt khô, 40 tấn ca cao thường. Ông Nguyễn Văn Tư, Chủ nhiệm HTX cho biết, thời gian qua, hạt ca cao lên men của Tiền Giang luôn được các công ty thu mua đánh giá cao. Việc ca cao đạt chứng nhận UTZ đã tạo quan tâm của thị trường. Bên cạnh đối tác tiêu thụ lâu nay, nhiều công ty trong và ngoài nước đến quan hệ thu mua, có công ty đàm phán bao tiêu 100% sản phẩm, có công ty đề nghị mua ca cao hữu cơ với giá thưởng 400 USD/tấn nếu đạt chất lượng tốt, đồng đều.
Trước yêu cầu của thị trường, tới đây HTX sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển xã viên ở các CLB chứng nhận và các điểm thu mua (tại các CLB) vào HTX; những bộ phận này như cánh tay nối dài của HTX để quản lý chất lượng sản phẩm và đảm bảo ổn định sản lượng cung ứng cho đối tác, mở thêm các dịch vụ cung ứng vật tư, phân bón để tạo thành quy trình khép kín.
HTX cũng đang thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu, tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra lâu dài. Theo đó, HTX mở rộng quy mô CLB ca cao chứng nhận ít nhất từ 20-30 nông hộ, phát triển các CLB mới. Về mặt tổ chức, HTX chuyển sang hoạt động kiểu mới là thuê người điều hành.
Trong kế hoạch phát triển ca cao chứng nhận đến năm 2014, HTX phấn đấu có 1.000 hộ tham gia với diện tích 600 ha; khoảng 2.000 hộ nông dân tham gia với 1.000 ha trồng ca cao UTZ và sản lượng khoảng 600 tấn hạt khô/năm vào năm 2015, tập trung ở 3 huyện: Chợ Gạo, Tân Phú Đông và Gò Công Tây.
Trước việc giá dừa đang xuống ở mức rất thấp, nhà vườn trồng dừa đang gặp khó, cây ca cao nói chung và ca cao chứng nhận nói riêng đang là “cứu cánh” cho các vườn dừa, đảm bảo thu nhập cao cho nông dân. Đây là cơ sở để ca cao đạt chứng nhận toàn cầu phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, đồng thời góp phần giữ vững diện tích dừa trên địa bàn, một trong những cây quan trọng ở khu vực phía Đông.
N.VĂN