Lợi ích nhất thời, hậu quả khó lường
Những ngày này, đi dọc theo các tuyến đường nông thôn về các xã Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Phước Tây, Mỹ Thành Bắc (Cai Lậy) không khó để thấy nhiều ao ương cá tra giống “mới toanh” xen với những ao cũ. Hỏi ra thì được biết, năm ngoái nhiều người ương cá giống “trúng lớn” nên năm nay họ mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, nhiều nông dân trồng lúa cũng bắt chước đào ao chuyển từ đất lúa sang ương cá tra giống.
Ao ương cá tra giống ở xã Thạnh Lộc ( Cai Lậy). |
Ông Nguyễn Văn Khởi ở ấp 3, xã Thạnh Lộc, cho biết: Vụ cá năm ngoái, giá cá tra giống tăng từ 50.000 đồng/kg lên 75.000 đồng/kg (60 - 65 con/kg). Vì vậy, hầu hết bà con ương cá tra giống ở khu vực này đều lời to. “Vụ cá rồi, tôi thu lời hơn 500 triệu đồng từ 9.000m2 mặt nước” - ông Khởi cho biết.
Thu lãi cao cùng với nhiều thông tin khả quan về thị trường đã thôi thúc ông Khởi mạnh dạn mở rộng thêm 2 hécta mặt nước để ương cá tra giống. Ông Khởi bộc bạch: “Thấy nghề ương cá tra giống có hiệu quả nên dù không biết giá cả sắp tới như thế nào, tôi vẫn quyết định tăng diện tích ao ương lên gần 3 hécta”.
Ông Nguyễn Văn Đô, ấp 1, xã Thạnh Lộc cho biết: Mấy năm trước trồng lúa đem lại thu nhập tuy có ổn định nhưng cũng chỉ đủ ăn. Năm ngoái, thấy bè bạn ương cá giống lời to nên năm nay ông quyết định chuyển một phần diện tích lúa (hơn 1 hécta) sang làm ao ương cá. “Kobe vừa mới đào ao cách đây 2 ngày, giờ tôi đang xử lý nước, cải tạo ao để chuẩn bị thả cá tra bột cho vụ nuôi đầu tiên” - ông Đô nói.
Ngày 22-3, Sở NN&PTNT đã tổ chức khảo sát tình hình phát triển diện tích ương cá tra giống trên địa bàn huyện Cai Lậy. Qua khảo sát, được biết, tổng diện tích đất lúa được nông dân chuyển sang ao ương từ đầu năm đến nay gần 60 hécta, tập trung tại 4 xã: Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Phước Tây, Mỹ Thành Bắc.
Theo những nhà chuyên môn, năm ngoái, giá cá tra giống tăng cao là do các tỉnh trọng điểm sản xuất cá tra bột như: An Giang, Đồng Tháp bị ảnh hưởng lũ lụt, triều cường, dẫn đến sản lượng cá tra bột giảm. Thêm vào đó, đợt không khí lạnh tăng cường sau đó lại tiếp tục làm giảm sản lượng cá tra giống tại các tỉnh này.
Trong khi đó, hoạt động ương nuôi cá tra giống tại Tiền Giang được thuận lợi hơn do không bị ảnh hưởng nhiều bởi các khó khăn nói trên nên bà con ương cá tra giống ở Tiền Giang trúng mùa, trúng giá và có lợi nhuận cao.
Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, năm 2011 trên địa bàn tỉnh có 150 hộ ương cá tra giống với tổng diện tích ương khoảng 125 hécta; sản lượng cá tra giống cung ứng cho thị trường khoảng 80 triệu con, dư 10 triệu con giống so với nhu cầu trong tỉnh nên phải bán ra tỉnh ngoài. Trong khi đó, năm 2011 sản lượng cá tra giống sản xuất trên cả nước khoảng 2 tỷ con, đáp ứng đủ về số lượng so với nhu cầu thả nuôi của vùng nuôi cá tra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Với những thông tin trên, việc sản xuất chạy theo phong trào, dẫn đến "dội chợ rớt giá" là bài học không mới đối với bà con nông dân. Tuy vậy, nhiều hộ nông dân dường như đã quên điều này nên ồ ạt mở rộng diện tích ương cá tra giống từ diện tích trồng lúa. Điều này càng nguy hại hơn khi khả năng xảy ra dịch bệnh gây cá chết hàng loạt là rất lớn, nhất là đối với những hộ nuôi mới, thiếu kỹ thuật và kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Mười ở xã Phú Cường cho biết, vụ ương cá năm ngoái cả triệu con cá tra bột của ông ương trong ao bị chết sạch, gây thiệt hại gần 30 triệu đồng. Trong khi đó, ao ương cá giống tại nhà một người anh bà con của ông Mười ở Thạnh Lộc (làm cá giống cách đây gần 10 năm) thì tỷ lệ đạt rất cao.
Nhiều bà con ương cá ở xã Phú Cường và Thạnh Lộc cho biết, hiện nay cá tra giống ương trong ao đang chết rải rác do bị bệnh gan thận mủ. Ông Dương Quốc Trí, ấp 5A, xã Phú Cường cho biết, hiện có khoảng 80% diện tích ương cá giống của bà con ở khu vực này xảy ra hiện tượng cá chết rải rác và mỗi ngày có tới hàng chục người nhờ tư vấn cách chữa trị cá bị bệnh.
Trước thực trạng trên, ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh nhận định: Việc bà con ồ ạt chuyển sang ương cá tra giống sẽ dẫn đến sản lượng tăng mạnh, mất cân đối cung - cầu dẫn đến nguy cơ rớt giá. Bên cạnh đó, khu vực này chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ ương cá giống nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên cá càng lớn, làm giảm hiệu quả ương nuôi.
Đặc biệt, tình trạng ồ ạt chuyển diện tích trồng lúa sang đào ao ương cá tra giống còn làm giảm khả năng giữ vững mục tiêu ổn định 3,8 triệu hécta lúa đến năm 2020, gây ảnh hưởng an ninh lương thực quốc gia.
Thiết nghĩ, các ngành chức năng của tỉnh và huyện Cai Lậy nên phối hợp tuyên truyền, vận động người dân trong huyện không nên ồ ạt chuyển đất trồng lúa sang đào ao ương cá tra giống. Bởi việc làm này tuy cho lợi ích nhất thời nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, mang lại hậu quả khó lường.
THÀNH CÔNG