Thứ Sáu, 20/04/2012, 10:02 (GMT+7)
.

“Khát” vốn ngành hàng cá tra

Thị trường xuất khẩu cá tra đầy lạc quan nhưng tình trạng thiếu vốn đã khiến ngành hàng cá tra rơi vào cảnh khó khăn. Nếu gỡ khó được nguồn vốn thì mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD của ngành hàng cá tra năm 2012 là trong tầm tay. Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết ngành hàng cá tra quý I-2012, vừa được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra trong quý I-2012 đạt 161 ngàn tấn, với giá trị 421 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng 22,7% về sản lượng và 40,3% về giá trị, chiếm 18,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước. Bên cạnh đó, hầu hết các thị trường tiêu thụ cá tra của Việt Nam vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định với giá xuất khẩu trung bình trong quý I-2012 là 2,61 USD/kg, tăng 6,1% so với năm 2011.

Thu hoạch cá tra cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến xuất khẩu.
Thu hoạch cá tra.

Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, cá tra Việt Nam là lựa chọn tối ưu của người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thế giới khó khăn bởi đây là sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng lại tốt.

Hiện nay, nhu cầu của thị trường xuất khẩu cá tra ngày càng tăng về lượng và mở rộng sang nhiều thị trường mới. Cụ thể, Mexico có nhu cầu nhập khẩu cá tra tăng hơn 50%, Mỹ tăng 30%, Brazil tăng 20%, còn các thị trường khác cũng giữ mức tăng trưởng ổn định. Do đó, mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD của ngành cá tra năm 2012 là hoàn toàn có thể đạt được.

VASEP cho biết, hiện có đến hơn 90% doanh nghiệp (DN) mong muốn được tăng hạn mức vay vốn với mức thấp nhất là 10 tỷ đồng và cao nhất lên đến 1.400 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho chế biến cá tra xuất khẩu; 92,3% số DN có nhu cầu vay vốn khẩn cấp trong quý II-2012, trong đó mức thấp nhất là 10 tỷ đồng và cao nhất là 500 tỷ đồng.

Theo ông Dương Ngọc Minh, dù lãi suất đã giảm còn 14,5%/năm từ đầu năm 2012 nhưng thực tế DN thường vay với mức lãi suất lên đến 19 - 20%/năm. Trong khi đó, để đảm bảo chỉ tiêu 1,3 triệu tấn nguyên liệu trong năm 2012 thì cần nguồn vốn lên đến 26.000 tỷ đồng, trong đó nhóm sản xuất và xuất khẩu là nhóm có nhu cầu vay vốn lớn nhất.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, để đầu tư nuôi 1 ha cá tra, người nuôi cần nguồn vốn khoảng 8 tỷ đồng. Đây là một số tiền rất lớn nhưng để bám nghề họ phải đánh liều đi vay ngân hàng. Thế nhưng hiện nay hầu như tất cả ngân hàng đã “quay lưng” với người nuôi cá.

Cụ thể, trong số tiền cho vay khoảng 20 ngàn tỷ đồng năm 2011 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam thì có tới 58% cho vay trong lĩnh vực thủy sản nhưng người nuôi cá tra không được vay vì chưa có cơ chế cho vay đối với đối tượng này.

Việc thiếu vốn sản xuất đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Theo VASEP, hiện có hơn 50% các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu ngừng hoạt động hoặc đang hoạt động cầm chừng. Tình trạng này cũng kéo theo hơn 40% doanh nghiệp chế biến thức ăn thủy sản đã ngừng hoạt động và hàng loạt dự án đầu tư bị ngưng trệ.

Những khó khăn của doanh nghiệp chế biến cá tra cũng đã ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ cá tra nguyên liệu, dẫn đến giá cả sụt giảm. Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, hiện giá cá tra nguyên liệu được thu mua trên địa bàn tỉnh khoảng 23.500 - 24.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 3, khiến người nuôi đứng trước nguy cơ thua lỗ do giá thành sản xuất đang ở mức 23.000 - 24.000 đồng/kg.

Theo ước tính của VASEP, hiện nay sản lượng cá tra còn trong dân chỉ khoảng 200 ngàn tấn (chiếm hơn 15% sản lượng cá tra cần thiết trong năm 2012), trong khi doanh nghiệp chỉ mới chủ động được gần 60% nguyên liệu. Với giá bán như hiện nay, nguy cơ người nuôi cá tra sau khi thu hoạch xong sẽ treo, bỏ nghề hàng loạt dẫn đến thiếu nguyên liệu phục vụ cho chế biến cá tra xuất khẩu trong thời gian tới là hoàn toàn có thể xảy ra.

THÀNH CÔNG
 

.
.
.