Thứ Hai, 02/04/2012, 11:14 (GMT+7)
.

Nhân rộng mô hình sản xuất lúa VietGAP

Vụ lúa hè thu chính vụ 2011, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh (Gò Công Tây). Mô hình này bước đầu đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

Ông Diệp Đức Việt, cán bộ Khuyến nông huyện cho biết: “Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP có diện tích 10ha và có 20 hộ nông dân của ấp Lợi An tham gia. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống lúa, khâu làm đất, phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn kỹ thuật canh tác. Đồng thời nông dân phải có nhật ký sản xuất thông qua việc ghi chép sổ tay và đảm bảo các yêu cầu về quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn này”.

Hội thảo đầu bờ Mô hình VietGAP ở xã Đồng Thạnh.
Hội thảo đầu bờ mô hình sản xuất lúa VietGAP ở xã Đồng Thạnh.

Để mô hình sản xuất lúa hướng GAP được triển khai thực hiện thuận lợi và đạt kết quả, trước đó nông dân ở đây cũng đã tham gia nhiều chương trình sản xuất lúa chất lượng cao và an toàn như: Mô hình “Cộng đồng sản xuất lúa bền vững”, chương trình IPM, chương trình “3 giảm, 3 tăng”…

Mô hình GAP đã đem lại hiệu quả cao, tuy suốt vụ có xuất hiện sâu bệnh gây hại nhưng không đáng kể. Nông dân cũng dần làm quen với cách sạ thưa, ghi chép sổ tay, cách bón phân, xịt thuốc đúng quy trình kỹ thuật. Hiện phần lớn các hộ đã thống nhất quy trình canh tác trong vùng sản xuất liền kề và tìm ra được các yếu tố dư thừa làm tăng giá thành sản xuất.

Ngay từ đầu vụ, nông dân được khuyến cáo sử dụng giống lúa OM 5954 có thời gian sinh trưởng từ 95 – 100 ngày, gạo dài, thơm nhẹ, ngon cơm; giống cấp xác nhận của Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh; lượng giống sử dụng 100 kg/ha. Nông dân sử dụng chủ yếu là các loại phân: Urê, DAP, Super lân, KCl và NPK 16-16-8. Sử dụng phân bón đợt cuối cùng cách thời điểm thu hoạch 20 ngày, đảm bảo không còn dư lượng nitrat trên sản phẩm.

Do áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” và giống OM 5954 chống chịu được sâu bệnh nên trong suốt vụ sản xuất, các ruộng trong mô hình chỉ xuất hiện sâu cuốn lá mật số thấp. Nông dân xử lý thuốc trong danh mục cho phép, liều lượng đúng theo hướng dẫn và đảm bảo đúng thời gian cách ly.

Khi triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con nông dân về việc ghi chép sổ tay sản xuất, yêu cầu công việc thực hiện, đồng thời chia nhóm sản xuất để các thành viên trong nhóm giúp đỡ lẫn nhau. Thông qua đó, giúp nông dân tính toán được giá thành sản xuất, hiểu khái quát về sản xuất lúa theo VietGAP nhằm đạt được mức độ an toàn đối với người sản xuất, người tiêu dùng, môi trường và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm.

Sau khi thu hoạch, năng suất vụ này đạt 5 - 6 tấn/ha, cao hơn so với ruộng xung quanh từ 500 - 700 kg/ha. Đặc biệt là giảm được một lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí giảm so với ruộng xung quanh khoảng 1,5 triệu đồng/ha và thu nhập cao hơn từ 4,3 - 5,3 triệu đồng/ha.

Được biết, trong vụ hè thu chính vụ 2012, huyện Gò Công Tây sẽ mở rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP lên 100 ha ở các xã trong huyện.

K.T.N
 

.
.
.