Để liên kết “4 nhà” chặt chẽ và hiệu quả
Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng và liên kết “4 nhà”. Một thập niên đi qua, việc triển khai thực hiện Quyết định 80 đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Song việc tiêu thụ nông sản vẫn còn gặp không ít khó khăn và trên thực tế bị ách tắc trong nhiều khâu.
Chôm chôm đạt tiêu chuẩn VietGAP. |
TÁC ĐỘNG NHƯNG CHƯA CHUYỂN ĐỘNG
Nhiều mô hình sản xuất trong nông nghiệp theo hướng liên kết đã được định hình và mang những nét đặc trưng riêng. Chẳng hạn, vào năm 2008, HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành) được trao giấy chứng nhận Global GAP.
Nhớ lại thời điểm đó, ông Đoàn Văn Mỹ, ấp Thới, xã Đông Hòa (Châu Thành) cho biết: “Lúc đó phấn khởi lắm, vui lắm! Vì trước giờ, chúng tôi chưa hề nghĩ trái vú sữa do mình trồng sẽ đến khắp nơi trên thế giới”.
Để được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, trái vú sữa Lò Rèn phải đáp ứng 141 yêu cầu và nông dân phải thỏa mãn 236 yêu cầu về kỹ thuật canh tác rất khắt khe của Global GAP.
Sau khi đạt được chứng nhận, HTX có hàng loạt đơn đặt hàng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ, Tập đoàn siêu thị Metro Cash & Carry, Công ty cổ phần Rau quả Việt Nam.
Tiếp theo trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, lúa Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam và Mỹ Thành Bắc của huyện Cai Lậy) cũng được chứng nhận Global GAP và Công ty TNHH ADC bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xã viên, với giá cao hơn thị trường 20%.
Ông Trương Văn Bảy, Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành cho biết, sau thời gian dài phấn đấu, sản phẩm lúa gạo của HTX đạt các tiêu chí: Đảm bảo an toàn về môi trường, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, giống chất lượng cao và truy nguyên được nguồn gốc.
Tiếp sau đó, hàng loạt các mô hình cũng được triển khai dưới dạng liên kết “4 nhà” và bao tiêu sản phẩm như: Xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè), khóm Tân Phước, nhãn tiêu Nhị Quý, chôm chôm Tân Phong (Cai Lậy), sơri Gò Công, thanh long (Chợ Gạo), lúa chất lượng cao…
Thế nhưng, nhìn nhận lại sau một thập niên thực hiện Quyết định 80, lãnh đạo Sở NN&PTNT đánh giá, việc liên kết “4 nhà” trong tiêu thụ nông sản của tỉnh còn khiêm tốn, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng chỉ đạt từ 2-3% sản lượng lúa, từ 0,3-1% sản lượng cây ăn trái.
Nguyên nhân là những phát sinh về việc xử lý vi phạm trong thực hiện hợp đồng giữa các bên; nhiều hợp đồng chưa thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự; nhiều vùng sản xuất nguyên liệu tập trung chưa có tổ chức kinh tế tập thể đại diện nông dân ký kết hợp đồng nên khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, liên kết “4 nhà” chưa thành công vì không có địa chỉ rõ ràng. "Chúng ta cứ nói nhà nọ, nhà kia nhưng lại không thấy nông dân ở đâu, doanh nghiệp ở đâu. Nói là “4 nhà” nhưng thực chất chỉ có nông dân và doanh nghiệp. Điều quan trọng là nông dân phải liên kết lại, chứ nếu chúng ta cứ nói chung chung “4 nhà” thì có đến 5 năm nữa tình hình vẫn như thế này. Do đó, vấn đề là cần phải có địa chỉ cụ thể" - ông Bùi Bá Bổng nhận định.
CHUNG SỨC GỠ KHÓ
Để đánh giá một cách toàn diện về hiệu quả cũng như những hạn chế của việc thực hiện Quyết định 80, các chuyên gia cho rằng, tỉnh ta nên tổ chức tổng kết tất cả các mô hình liên kết “4 nhà” ở các lĩnh vực để rút ra những mặt được, chưa được và tiếp tục nhân rộng những mô hình làm ăn có hiệu quả.
Mở hướng đi tích cực Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thực hiện Quyết định 80, năm 2009 tỉnh đã ký hợp đồng tiêu thụ 30.540 tấn lúa, năm 2010 khoảng 56.240 tấn lúa… Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long Chợ Gạo, sapô Kim Sơn cũng được bao tiêu với sản lượng hàng năm ước đạt trên 200 tấn. Mỗi năm, tỉnh cũng đã cung ứng trên 2.000 tấn rau an toàn cho thị trường. HTX Chăn nuôi Hương Việt và Thủy sản Gò Công tuy mới thành lập năm 2008 nhưng bước đầu đã ký kết hợp đồng tiêu thụ được 120.000 con gà giống và hơn 17 tấn thịt heo hơi cho xã viên… Việc tiêu thụ nông sản theo hợp đồng bước đầu đã mở hướng đi tích cực, giúp cho sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ, thu hút được một số doanh nghiệp và nông dân tham gia. |
Hiện nay, Tiền Giang đã xây dựng được các vùng chuyên sản xuất lúa, một số vùng cây ăn trái và thủy sản. Và trên cơ sở đó, "các nhà" cần tiếp tục “bắt tay” tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở từng khâu để phát triển theo hướng hàng hóa, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Đa số hộ nông dân và các doanh nghiệp, HTX hiện nay đều lo đầu ra của sản phẩm vẫn còn khó. Do sản xuất nhỏ lẻ, chưa có số lượng hàng hóa lớn, chưa có tổ chức hay cá nhân nào đứng ra tìm kiếm thị trường.
Từ thực tế đó, ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đề xuất: Cần tăng cường tuyên truyền cho nông dân về kinh tế thị trường; tạo vốn cho nông dân sản xuất; hỗ trợ cho nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; cần có phương thức thực hiện hợp tác, chia sẻ lợi ích từ lợi nhuận của doanh nghiệp, các nhà xuất khẩu cho nông dân.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, muốn liên kết “4 nhà” thành công phải tổ chức lại sản xuất. Nhà nước không chỉ đầu tư tiền bạc mà phải xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết và “chết sống” với nó, mở rộng diện tích càng lớn càng tốt.
Theo Tiến sĩ Hòa, để giúp nông dân yên tâm sản xuất, phải mở rộng diện tích canh tác theo tiêu chuẩn GAP. Có như vậy mới làm ra đủ lượng hàng hóa để ký hợp đồng làm ăn lâu dài với đối tác. Việc này Nhà nước phải nhảy vào và bỏ vốn ra đầu tư.
Ngoài ra, để sản xuất theo tiêu chuẩn GAP thuận lợi cần có sự hợp tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa nhà vườn với doanh nghiệp. Từ đó, người dân chỉ lo làm để sản phẩm đạt chất lượng; còn việc lo đầu ra, xuất khẩu đã có doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, để gỡ những gút mắc trong việc thực hiện Quyết định 80, Sở NN&PTNT đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng sản xuất chất lượng cao; hỗ trợ ký kết hợp đồng tiêu thụ đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến, xuất khẩu; các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược, kế hoạch ký kết hợp đồng với nông dân theo dạng đầu tư, chế biến, tiêu thụ.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đang phối hợp với các sở, ngành để củng cố, nâng cao năng lực, phát triển các tổ hợp tác, HTX ở những vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, có chính sách hỗ trợ giống, khoa học - công nghệ cho người sản xuất trong và sau thu hoạch…
SĨ NGUYÊN