Thứ Tư, 25/04/2012, 10:55 (GMT+7)
.

Thị trường vàng sẽ dần ổn định

Đó là nhận định của ông Nguyễn Ngọc Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Ngọc Hải, xung quanh Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng, ban hành ngày 3-4 (có hiệu lực vào ngày 25-5).

Ông Hải nhấn mạnh các điểm cần chú trọng trong Nghị định số 24 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Các công ty chỉ được kinh doanh vàng miếng khi Nghị định 24 có hiệu lực.
Các công ty chỉ được kinh doanh vàng miếng khi Nghị định 24 có hiệu lực.

 

Theo đó, doanh nghiệp muốn sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp, với các điều kiện cơ bản như: Có xưởng sản xuất, có máy móc thiết bị cần thiết, đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng... Như vậy, chất lượng vàng nữ trang trên thị trường sẽ đi vào ổn định, giảm lượng nữ trang được gia công tại các cơ sở nhỏ không đảm bảo chất lượng được đưa ra lưu thông trên thị trường.

Các công ty chỉ được kinh doanh vàng miếng khi Nghị định 24 có hiệu lực.
Sản xuất vàng nữ trang phải được cấp phép.

Nghị định 24 cũng quy định, Nhà nước thống nhất độc quyền sản xuất vàng miếng nên các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng miếng thời gian qua sẽ không còn thực hiện chức năng sản xuất mà chỉ được kinh doanh vàng miếng.

Tuy nhiên, Nhà nước vẫn đảm bảo quyền lợi của người dân khi trao đổi, mua bán vàng miếng, kể cả những loại vàng miếng đã được sản xuất trước thời điểm Nghị định số 24 được ban hành.

Ông Nguyễn Ngọc Hải cho biết, khi Nhà nước ban hành nghị định, lượng tiêu thụ vàng miếng giảm thấy rõ, ước chừng khoảng 20%, do một số người quan tâm vấn đề này đã chuyển sang mua vàng nhẫn để ổn định hơn.

 

Tuy nhiên, nhìn tổng thể thị trường vàng không biến động nhiều, chưa kể gần 1 tháng nay chủ trương chung của Nhà nước là kéo giá vàng trong nước ngang bằng với giá vàng thế giới nên giá vàng ổn định, không có tình trạng “lướt sóng” kéo dài và dự báo giá vàng vẫn bình ổn.

Sản xuất vàng nữ trang phải được cấp phép.

Theo Nghị định 24, công ty muốn kinh doanh vàng miếng phải đảm bảo các điều kiện: Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp cho hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất; có địa điểm chi nhánh, mạng lưới kinh doanh mua bán vàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành trở lên.

Nếu theo quy định này, cả nước chỉ còn khoảng 10 công ty có đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng theo quy định của Nghị định 24.

Theo Ngân hàng Nhà nước, để các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng đáp ứng được yêu cầu theo quy định trong Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra dự kiến về thời hạn chuyển tiếp đối với các đơn vị đang kinh doanh mua, bán vàng miếng tối thiểu là 6 tháng.

Như vậy, các đơn vị hiện đang kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ có ít nhất 7,5 tháng (kể từ khi Nghị định 24 được ký ban hành) để tiếp tục kinh doanh mua, bán vàng miếng và có thời gian hoàn tất thủ tục xin cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc chuẩn bị chuyển hẳn sang sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại Nghị định 24.

Ông Nguyễn Ngọc Hải nhận định thêm, khi Nghị định 24 có hiệu lực sẽ đưa ra quy định rõ ràng hơn, nên việc kiếm lời trên vàng miếng không còn nữa.

Trong khi đó, thời gian tới giá vàng thế giới không biến động nhiều, xu hướng giảm giá nhiều hơn là tăng giá. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế thế giới cũng từ từ đi vào ổn định, nợ công châu Âu giảm dần, nền kinh tế của Mỹ cũng bắt đầu tăng trưởng, thị trường chứng khoán đã “đụng đáy” và bắt đầu tăng lên. Do vậy, ước định trong vòng 1 tháng tới giá vàng thế giới sẽ nằm trong khoảng 1.600-1.700 USD/ouz và giá vàng trong nước cũng theo sát giá vàng thế giới.

MAI ANH

.
.
.