Tiếp tục giám sát thực hiện đầu tư công cho “tam nông”
Ngày 19-4, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dẫn đầu Đoàn giám sát đến làm việc với UBND huyện Gò Công Tây về “thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Đường giao thông nông thôn - một trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. |
Báo cáo với Đoàn giám sát, lãnh đạo huyện Gò Công Tây cho biết, tổng vốn đầu tư công cho “tam nông” trong 6 năm qua là 547 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách phân bổ 429 tỷ đồng.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn được trung ương, tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình: tỉnh lộ 873, 877, Quốc lộ 50, kinh Xuân Hòa - Cầu Ngang, trường THPT Vĩnh Bình, hệ thống đê điều, cống đập trong chương trình Ngọt hóa Gò Công. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết của Đảng về “tam nông”, huyện tập trung ưu tiên vốn để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, y tế, giáo dục.
Huyện cũng nêu lên những khó khăn, hạn chế như: quy định chi phí gián tiếp để quản lý các dự án xây dựng cơ bản chiếm trên 30% tổng giá trị công trình là không hợp lý cần sửa đổi; nguồn vốn phân cấp cho các địa phương để đầu tư xây dựng cơ bản quá thấp; khó vận động dân đóng góp kinh phí, cũng như xác định lộ trình thực hiện đạt tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Huyện cũng đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí về xây dựng NTM cho phù hợp với từng vùng, miền; mở rộng hỗ trợ vốn vay mua sắm máy móc phục vụ sản xuất...
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Danh đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của huyện; đồng thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và sẽ kiến nghị theo thẩm quyền được phân cấp đến từng ngành, từng cấp.
Qua đây, ông cũng nhấn mạnh những vấn đề địa phương cần quan tâm: Chú trọng đến công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch; thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn với chương trình mục tiêu quốc gia, tránh đầu tư dàn trải; quan tâm tháo gỡ khó khăn về đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ông cũng gợi mở huyện có thể khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với chính sách đầu tư công cho lĩnh vực trên ở địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra; cần có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác quy hoạch; chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân…
N.VĂN