Thứ Hai, 02/04/2012, 16:01 (GMT+7)
.

Trồng dưa hấu từ ruộng nhà, vươn ra ruộng lạ

Ở huyện Gò Công Tây, hiệu quả của chương trình Ngọt hóa Gò Công thể hiện thật thuyết phục với nghề trồng dưa hấu. Xã Bình Nhì là minh chứng sống động, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế từ ruộng nhà, nhiều hộ (có cả thế hệ cha - con) đi mướn ruộng lạ trồng dưa.

Vụ hè thu muộn, trên 60% (gần 500 ha) diện tích đất nông nghiệp của xã Bình Nhì đều xuống giống cây dưa hấu. Khoảng năm 2003 trở lại đây, sau vụ dưa trên ruộng nhà, những “đội quân” trồng dưa hấu chuyên nghiệp của Bình Nhì lại tỏa đi khắp nơi trong tỉnh, đến tận các tỉnh khác như: Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp… thuê đất trồng dưa.

Những mùa dưa trên "đất lạ” đã mang về nguồn thu nhập khá cho người trồng lẫn người được thuê đi trồng dưa.

Ông Hai Xuân tận hưởng cuộc sống sung túc, an nhàn sau một thời gian đi trồng dưa hấu “trên ruộng lạ”.
Giờ đây, ông Hai Xuân có thể tận hưởng cuộc sống sung túc, an nhàn sau một thời gian đi trồng dưa hấu “trên ruộng lạ”.

Anh Huỳnh Văn Cương, Chủ nhiệm CLB Khuyến nông xã Bình Nhì tự hào: “Nông dân ở đây rành nghề trồng dưa hấu đến nỗi nhiều nơi đồn là bậc thầy. Trồng dưa hấu trở thành nghề truyền thống của nhiều gia đình và của cả xóm, cả ấp".

Bình Đông Trung và Bình Hòa Đông là 2 ấp trồng dưa từ mấy chục năm nay. Đi dọc huyện lộ 20, thấy những dãy nhà kiên cố, khang trang hai bên đường, đó đều là thành quả từ dưa hấu mang lại.

Dưa hấu là cây “cứu cánh” cho nhiều nông dân trong huyện. Chỉ riêng xã Bình Nhì đã có gần 700 hộ dân chuyên đi các nơi mướn đất trồng dưa. Ngoài ra, còn có hàng trăm lao động của xã có thêm việc làm nhờ đi làm công trồng dưa cho những hộ có vốn”.

Những lão nông trồng dưa ở Bình Nhì có thể kể đến như: ông Phạm Văn Xuân (Hai Xuân), ông Năm Ngởi, ông Hồ Văn Nghiệp (Tư Nghiệp), ông Ngô Văn Quang, ông Nguyễn Văn Cương, ông Lưu Văn Mười…

Ông Hồ Văn Nghiệp (Tư Nghiệp), 67 tuổi, ngụ ấp Bình Đông Trung là một trong những người tiên phong đi xứ khác trồng dưa. Ông Tư khề khà: “Không có cây dưa hấu gia đình tôi làm sao được như bây giờ. Nhà có 7 nhân khẩu nhưng chỉ có 4 công ruộng. Với diện tích đó nếu chuyên trồng lúa thì giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn, nhưng trồng dưa thì khác. Xây nhà cửa, mua sắm máy móc làm đồng, vật dụng trong nhà… cũng đều nhờ cây dưa hết".

Ông Tư Nghiệp bắt đầu trồng dưa hấu vào năm 1978, lúc đó chỉ trồng dưa hấu trái tròn bán vào dịp Tết, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ. Đến năm 1992, ông mạnh dạn lên Hậu Mỹ Bắc B (Cái Bè) mướn mấy ha đất thử trồng dưa. Năm đó ông trúng lớn. Từ đó vợ chồng, con cái đem cây dưa hấu đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác. Làm ăn được nên ông lôi kéo thêm anh em, họ hàng, lối xóm cùng đi.

Ông Hai Xuân tận hưởng cuộc sống sung túc, an nhàn sau một thời gian đi trồng dưa hấu “trên ruộng lạ”.
Ông Hồ Văn Nghiệp có 4 chiếc máy xới và 1 chiếc máy đào đất. Đó là kết quả từ tiền lãi trồng dưa hấu.

Dưa hấu là loại cây màu mẫn cảm với môi trường dịch bệnh, kể cả trong không khí và trong đất. Vì vậy, việc canh tác dưa hấu quá lâu tại một vùng đất chắc chắn hiệu quả kém dần.

Đó là lý do vì sao những hộ chuyên trồng dưa phải luôn đi tìm đất mới. Ban đầu thì chỉ đến những nơi gần như xuống Gò Công Đông hoặc lên Cai Lậy, Cái Bè. Về sau thì đi xa hơn, qua các tỉnh: Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp… tìm thuê đất trồng dưa quanh năm.

Ông Phạm Văn Xuân ở ấp Bình Hòa Đông cũng là một lão nông của nghề trồng dưa hấu. Cơ ngơi hoành tráng với nhà cửa khang trang, tiện nghi, của cải trong gia đình đều do dưa hấu đem lại.

Ông Hai Xuân vui vẻ nói: “Tôi “gác kiếm” mấy năm nay rồi. Bây giờ ở nhà đưa đón cháu đi học để cho con đi mần dưa thôi. Cả 3 đứa con của tôi đều đi trồng dưa. Mỗi vụ 2 tháng, một ha dưa tụi nó lời chừng 80 – 100 triệu đồng. Hiện giờ, 3 anh em tụi nó đang mướn 10 ha ruộng ở huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An xuống giống được 2 tuần rồi".

Ông Hai Xuân tính rành rọt mà gọn ơ: "Trung bình 1 ha đất thuê, chi phí trồng dưa từ 60 - 80 triệu đồng. Năng suất dưa thường ổn định khoảng 30 tấn/ha. Nếu giá dưa cao thì lời nhiều, giá thấp thì lời ít. Vậy thôi!". Khoảng 2 tuần nay, giá dưa đột ngột tăng cao. Dưa loại 1 (từ 2kg trở lên) được thương lái đến tận ruộng mua với giá 7.500 đồng/kg, thậm chí có lúc 9.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi ha dưa nông dân lãi trên 120 triệu đồng.

Ở Bình Nhì quả là cây dưa hấu đã đem lại cuộc sống ấm no, tạo công ăn việc làm cho nông dân và nghề trồng dưa ở Gò Công Tây không chỉ dừng lại trên ruộng nhà mà còn mở rộng ra ruộng lạ.

THỦY HÀ
 

.
.
.