Thứ Tư, 18/04/2012, 09:27 (GMT+7)
.

Từ thành tựu 10 năm của ĐBSCL: Cơ hội cho cả vùng

Hội chợ triển lãm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển, diễn ra từ 27-4 đến 1-5 tại TP. Cần Thơ, do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực tổ chức.

Đây là hoạt động chung chào mừng kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây cũng là cơ hội cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đánh giá lại thực tiễn và hướng đến mục tiêu liên kết, phát triển liên vùng.

MỔ XẺ THÀNH TỰU VÀ HẠN CHẾ

Theo Ban Tổ chức, đến nay tất cả các hạng mục xây dựng đã hoàn tất, sẵn sàng phục vụ cho Hội chợ triển lãm, sẽ quy tụ trên 300 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, với khoảng 1.000 gian hàng. Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm lần này có 2 hội nghị quan trọng gồm: Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển ĐBSCL và hội nghị giữa các địa phương với trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Hội chợ triển lãm còn có 3 hội thảo: Liên kết phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng vùng ĐBSCL; tham vấn định hướng phát triển ĐBSCL đến năm 2100.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, đến nay Ban Tổ chức đã tập hợp được 124 danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, với số vốn trên 113.000 tỷ đồng và 725 triệu USD để giới thiệu cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Tủ thờ Gò Công, một sản phẩm thủ công nổi tiếng của Tiền Giang.
Tủ thờ Gò Công, một sản phẩm thủ công nổi tiếng của Tiền Giang sẽ góp mặt tại hội chợ.

Hội chợ triển lãm lần này cũng là dịp để đánh giá lại một cách cụ thể những thành tựu, hạn chế cũng như đưa ra những chiến lược quan trọng nhằm phát triển các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL sau 10 thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị.

Theo ông Nguyễn Văn Út, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, kinh tế các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL sau 10 năm thực hiện Nghị quyết  21 đã tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (GDP giai đoạn 2001 - 2010) là 11,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, xây dựng và giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Đến năm 2010, giá trị sản xuất đạt trên 336.000 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2001; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 9,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 6,83 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần.

Song song đó, trong những năm gần đây, việc đầu tư vào hạ tầng giao thông toàn vùng đã được tập trung. Hệ thống giao thông huyết mạch gồm các trục chính, trục ngang, sân bay, cảng biển, cảng sông và nhiều cầu vượt ngang sông đã được đầu tư, góp phần giảm ách tắc giao thông, rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông.

Toàn vùng đã xây dựng mới 10 tuyến quốc lộ, với tổng chiều dài khoảng 2.500 km và 70 tuyến tỉnh lộ. Mặt khác, từ nhiều nguồn vốn, nhất là vốn xã hội, toàn vùng đã xóa được 4.013 cây cầu khỉ. Bên cạnh đó, vốn đầu tư xã hội toàn vùng được huy động tối đa, với trên 627.000 tỷ đồng, trong đó chiếm 77% vốn huy động từ doanh nghiệp và xã hội.

Tuy đạt được những thành tựu quan trọng nhưng ĐBSCL vẫn còn nhiều tồn tại nhất định: Kinh tế - xã hội phát triển nhanh nhưng chưa thật sự bền vững; mối liên kết giữa các tỉnh, thành để khai thác lợi thế của từng địa phương chưa chặt chẽ; chất lượng nguồn lao động còn thấp; đời sống người dân, nhất là nông dân vẫn còn ở mức thấp…

Do vậy, qua các hội thảo, hội nghị trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm lần này là dịp để mổ xẻ bức tranh chung của ĐBSCL và định ra đường hướng phát triển toàn vùng trong thời gian tới.

TIỀN GIANG ĐÃ SẴN SÀNG

Trong lần làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo Hội chợ triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội ĐBSCL đến tỉnh kiểm tra tiến độ chuẩn bị, lãnh đạo tỉnh xác định: “Hội chợ triển lãm lần này cũng là dịp để Tiền Giang rà soát, nhìn lại thành tựu cũng như những vấn đề còn tồn tại, thậm chí khiếm khuyết qua thập niên phát triển, từ đó có hướng đi tiếp nhanh, ổn định và bền vững hơn; đồng thời xem đây cũng là cơ hội để quảng bá tiềm năng của Tiền Giang nhằm kêu gọi đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển thời gian tới”.

Máy gặt đập liên hợp Tư Sang - một trong những sản phẩm của Tiền Giang tham gia Hội chợ triển lãm.
Máy gặt đập liên hợp Tư Sang - một trong những sản phẩm của Tiền Giang tham gia Hội chợ triển lãm.

Hội chợ triển lãm lần này, Tiền Giang tham gia 7 hoạt động gồm: triển lãm (11 gian hàng), tham dự 2 hội nghị (xúc tiến đầu tư và liên kết phát triển nông nghiệp), dự 1 hội thảo (lĩnh vực tín dụng), 1 hội thi (nhiếp ảnh), 1 lễ hội (ẩm thực) và diễu hành xe hoa.

Ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch cho biết, tại hoạt động triển lãm, Tiền Giang sẽ quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: Các sản phẩm giống cây đặc sản, rau quả, các loại gạo đặc sản, tủ thờ Gò Công, mắm tôm chà Gò Công, máy gặt đập liên hợp Tư Sang, sản phẩm đồ hộp xuất khẩu…

Để quảng bá môi trường đầu tư, ngoài 15 dự án trọng điểm của tỉnh sẽ được đưa ra trưng bày tại Hội chợ; dự kiến tại buổi lễ bế mạc, Ban Tổ chức sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Hòa Hưng (Cái Bè) với quy mô 10 ha, vốn đầu tư 325 tỷ đồng.

Ông Đoàn Văn Phương cũng cho biết thêm, hiện các pa-nô, bandrol, cờ phướn đã được triển khai trên các tuyến đường trung tâm của TP. Mỹ Tho để người dân cảm nhận không khí ngày càng nóng dần lên của sự kiện. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cũng mở đợt thông tin - tuyên truyền, quảng bá về Hội chợ triển lãm gắn với các hoạt động kỷ niệm 30-4 nhằm tạo sức lan tỏa rộng.

THẾ ANH - QUỐC ANH

.
.
.