Tỷ phú làng nghêu
Đến thăm các bãi nuôi nghêu vùng biển Tân Thành (Gò Công Đông), bà con nơi đây thường nhắc đến một người được mệnh danh là “tỷ phú làng nghêu”. Ông là nông dân đầu tiên thành công với quy trình sản xuất nghêu giống nhân tạo, cũng là một trong những người tiên phong nuôi nghêu thịt ở vùng biển Gò Công. Đó là chú Trần Văn Vinh (ấp Cầu Muống, xã Tân Thành) mà mọi người thường gọi với cái tên thân mật - chú Bảy Vinh.
NẶNG NỢ VỚI CON NGHÊU
Với thâm niên đã gần 20 năm, từ khi nghề nuôi nghêu vùng ven biển Gò Công mới hình thành, chú Bảy Vinh hiểu rằng việc chủ động được nguồn giống là vấn đề rất khó khăn. Bởi thực tế, nhiều năm bãi nghêu của chú không tìm được nguồn giống để thả nuôi nên đành phải phơi bãi chờ vụ sau.
Do đó, hơn ai hết, chú hiểu được nỗi khổ của người nuôi nghêu là vấn đề con giống không ổn định, phải phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên. Từ đó, chú có ý định học hỏi kỹ thuật sản xuất nghêu giống để chủ động nguồn giống cho các bãi nghêu của mình.
Ông Trần Văn Vinh bên mô hình sản xuất nghêu giống nhân tạo. |
Nói về cơ duyên đến với nghề sản xuất nghêu giống, chú say mê kể: “Năm 2007, khi nghe tin Trại giống Tân Thành (thuộc Trung tâm Giống Nông nghiệp Tiền Giang) đã cơ bản thành công trong quy trình sản xuất nhân tạo nghêu giống thì tôi mới có cơ hội thực hiện ước mơ của mình.
Lúc đó, tôi mừng như “bắt được vàng” nên đăng ký ngay với trại giống để được chuyển giao quy trình này. Sau đó, tôi cùng 3 đứa con mua sắm dụng cụ, trang thiết bị sản xuất thử nghiệm ở quy mô nhỏ với tổng vốn đầu tư khoảng 50 triệu đồng.
Nhiều lần thất bại, nhưng tôi không nản chí, đến khi quy trình sản xuất nghêu giống dần ổn định với tỷ lệ nghêu sống hơn 10% tôi vui mừng khôn xiết”.
Ông Nguyễn Văn Chín, doanh nhân người Mỹ gốc Việt, thành viên Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ (NFI) - bạn của chú Bảy Vinh, cho rằng: “Làm nghề sản xuất nghêu giống phải có lòng đam mê mới đạt được thành công. Anh Bảy có được quy trình sản xuất nghêu giống ổn định và cơ sở vật chất như hiện nay là cả một quá trình tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo và học hỏi không ngừng”.
Trong lúc dẫn chúng tôi tham quan trại, chú Bảy cho biết, do các dụng cụ cho nghêu đẻ hầu như chưa có trên thị trường nên chú phải tự vẽ mẫu rồi đặt hàng tại các hãng nhựa. Các nhóm dụng cụ như: bể ấp, bể ương, mái che giữ nhiệt… dùng cho hoạt động sản xuất tại trại giống này chú xây ngang, rồi đập phá cho xây dọc… để tìm ra được quy trình sản xuất nghêu giống tối ưu nhất.
Do đó, trong trại của chú, nếu thấy chỗ nào được xây dựng kiên cố bằng bê tông thì khu vực đó đã hoàn chỉnh, còn khu vực nào xây “dã chiến” thì nơi đó vẫn tiếp tục nghiên cứu và có thể bị phá đi.
Chú Bảy cho biết, con nghêu rất khó cho đẻ trong môi trường nhân tạo, lại rất nhạy cảm với nguồn nước. Do đó nước dùng để cho nghêu đẻ, ấp và ương nghêu cấp I trong trại đều được lọc qua than hoạt tính, hoàn toàn không sử dụng hóa chất.
“Cách đây khoảng 3 năm, bỗng nhiên 2 đợt ương liên tiếp nghêu không rớt đáy, cũng chẳng chuyển giai đoạn. Kiểm tra lại thì tất cả các khâu kỹ thuật đều đảm bảo, chất lượng nước cũng ổn định… Cuối cùng phát hiện ra là do thuốc trừ sâu vườn cây ăn trái nhà kế bên” - chú nói.
SÁNG TẠO VÀ HOÀN THIỆN QUY TRÌNH
Theo chú Bảy Vinh, từ những kiến thức học được ban đầu, qua quá trình vừa sản xuất vừa nghiên cứu, đến nay quy trình kỹ thuật sinh sản nghêu nhân tạo đã được chú cải tiến, đảm bảo tỷ lệ sống hơn 14%.
Từ chỗ sản xuất thử nghiệm với diện tích ban đầu chỉ khoảng 100m2, đến nay trại nghêu giống của chú có diện tích gần 8.000m2; trong đó diện tích khu vực cho nghêu đẻ và ương nghêu cấp I là 1.000m2, cấp II là 5.000m2, diện tích còn lại là các ao, bể lắng nước, nuôi tảo.
Tuy chú Bảy vẫn chưa hài lòng với quy trình sản xuất nghêu giống mà chú đã dày công nghiên cứu, nhưng với những thành công bước đầu là kết quả khích lệ cho cho những nỗ lực không ngừng.
“Năm 2011, do nghêu cỡ lớn chết nhiều nên trại của tôi chỉ có 300 kg nghêu bố mẹ cho sinh sản, thu được 300 triệu ấu trùng, sau đó ương lên nghêu cỡ 200.000 con/kg với giá bán 25 đồng/con, đạt doanh thu 750 triệu đồng, trừ chi phí lãi 600 triệu đồng.
Bước sang năm 2012, nghêu phát triển ổn định nên tôi đã cho 200 kg nghêu bố mẹ đẻ được hơn 200 triệu ấu trùng. Hiện số nghêu giống này được các thương lái hỏi mua với giá 5-6 đồng/con, tính ra doanh thu khoảng 1 tỷ đồng” - chú Bảy cho biết. Ngoài ra, năm nay chú còn nảy ra sáng kiến tạo lập hệ thống ương nghêu “tránh bùn” dùng để trữ nghêu cám ngoài tự nhiên khi vào mùa bùn lấp thông qua hệ thống ao lắng và sử dụng phương pháp lọc nước.
“Thông thường, nghêu cám xuất hiện là người dân thu hoạch và bán ra các tỉnh phía Bắc với giá rẻ để ương lên nghêu cỡ lớn. Do vùng biển Tân Thành thường bị bùn lấp mà nghêu giống thì rất kỵ với bùn. Do đó, khi sử dụng hệ thống tránh bùn để trữ nghêu cho qua giai đoạn này (ương nghêu) thì hiệu quả kinh tế mang lại rất cao” - chú Bảy chia sẻ.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ nghêu giống của chú không chỉ quanh quẩn các tỉnh khu vực ĐBSCL mà còn lan ra tận các tỉnh phía Bắc như: Nam Định, Hà Nội, Quảng Ninh… Mới đây, tỉnh Hải Dương đã cử đoàn cán bộ tham quan trại sản xuất nghêu giống và đề nghị chuyển giao kỹ thuật.
Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền chú Bảy Vinh được tuyên dương là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh và mới đây chú đã được Hội Nghề cá Việt Nam công nhận là gương điển hình có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển ngành Thủy sản Việt Nam.
THÀNH CÔNG