Thứ Sáu, 06/04/2012, 16:07 (GMT+7)
.

Về giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL

Tại hội thảo "Những giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long" (ĐBSCL) diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp vào ngày 30-3, các nhà khoa học và doanh nghiệp đã hiến kế để tăng sức cạnh tranh của lúa gạo ĐBSCL trên thị trường. Sau đây là các ý kiến tâm huyết:

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ BÙI CHÍ BỬU, VIỆN KHKTNN MIỀN NAM:

Đầu tư đúng mức để phát huy tiềm năng và lợi thế

ĐBSCL là châu thổ lớn và phì nhiêu của khu vực Đông Nam Á và là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm… Đặc biệt trong 20 năm qua, sản xuất lúa gạo đã phát triển đáng kể, đóng góp quan trọng vào mục tiêu an toàn lương thực và xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở đây chưa đạt như mong muốn, bởi chúng ta chưa có giải pháp đúng về thị trường nông sản. Công nghệ sau thu hoạch rất yếu kém, chưa được đầu tư đúng mức. Thất thoát sau thu hoạch trên 2 triệu tấn lúa/năm. Công nghệ chế biến nông sản để đáp ứng với yêu cầu giá trị gia tăng còn rất thấp so với các nước trong khu vực.

Nếu cơ sở hạ tầng như bến cảng, kho bãi, chợ đầu mối, giao thông nông thôn, điện lực… không phát triển nhanh để hỗ trợ tích cực cho nông nghiệp, nông thôn thì ĐBSCL rất khó có thể phát huy tiềm năng, lợi thế của một châu thổ phì nhiêu bậc nhất này.

TIẾN SĨ LÊ VĂN BẢNH, VIỆN TRƯỞNG VIỆN LÚA ĐBSCL:

Nông dân phải liên kết trong chuỗi cung ứng lúa gạo

Để tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL một cách bền vững thì cần phải có giải pháp căn cơ, đầu tư thích đáng và đồng bộ vùng trồng lúa.

Trong đó, ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ trong chọn tạo giống nhằm tìm ra giống lúa cho năng suất cao, ổn định, phẩm chất gạo tốt; kháng sâu bệnh và thích nghi với điều kiện tiểu vùng sinh thái và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chuyển giao các giải pháp kỹ thuật sản xuất lúa thích ứng cho hội nhập kinh tế và sự biến đổi khí hậu; áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao trong sản xuất lúa để đạt năng suất cao, phẩm chất tốt, nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho nông dân.

Phát triển các dạng hình kinh tế hợp tác để thuận lợi cho đầu ra, sản xuất hàng hóa đủ lớn, dễ dàng tiếp cận thị trường, trong đó liên kết “4 nhà” là khâu mấu chốt được quan tâm hàng đầu.

Nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh lúa gạo vùng ĐBSCL từ khâu dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, bảo quản tồn trữ, chế biến và tiêu thụ lúa gạo. Trong đó, tổ chức liên kết nông dân trong chuỗi cung ứng lúa gạo và xây dựng thương hiệu là mối quan hệ trọng tâm.

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ VÕ TÒNG XUÂN, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TẠO:

Mở lối ra cho nông dân trồng lúa

Tổ chức nông dân thành những hợp tác xã, tập đoàn sản xuất hoặc cụm sản xuất lúa nguyên liệu hoặc một nông sản khác theo phương thức hiện đại, đạt mọi tiêu chuẩn thị trường cạnh tranh để cung cấp cho doanh nghiệp chế biến tiêu thụ.

Gắn kết chuỗi giá trị sản xuất nông sản từ nguyên liệu đến thành phẩm có thương hiệu mạnh đưa ra thị trường để lợi tức được phân bổ hợp lý cho các thành phần tham dự, trong đó bảo đảm nông dân luôn luôn có cơ hội tích lũy lợi tức trong khi doanh nghiệp cũng bảo đảm mức thu nhập.

Muốn làm được điều đó, chúng ta cần có một chương trình đồng bộ mới tiến hành được; trong đó doanh nghiệp phải có được đầu ra ổn định; nhà nước mạnh dạn ban hành chính sách khuyến khích; nông dân phải khắc phục tập quán canh tác cũ, phải học trở thành nông dân đổi mới, triệt để làm theo quy trình GAP, chứ không thể làm theo ý mình.

ÔNG PHẠM VĂN BẢY, PHÓ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI LƯƠNG THỰC VIỆT NAM:

Có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo

Hiện tại, gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu nhưng cũng mất rất nhiều thời gian và làm giảm tiến độ xuất khẩu. Trước mắt, Việt Nam sẽ giành nhu cầu từ Trung Quốc và Philippines.

Riêng gạo thơm và gạo cao cấp Việt Nam có thể chiếm thị phần ở các thị trường châu Á, châu Phi. Trên cơ sở cân đối cung cầu của Bộ NN&PTNT thì sản xuất năm 2012 dự kiến đạt 42,5 triệu tấn lúa, qua cân đối dự kiến lượng gạo hàng hóa là 7,3 triệu tấn (chưa kể lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp năm 2011 chuyển qua).

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu từ 6,5 - 7 triệu tấn gạo trong năm 2012. Chúng ta cần tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thành lập trung tâm xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp Việt Nam để trao đổi thông tin, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ dịch vụ xuất khẩu thị trường tiềm năng...

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.