Thứ Hai, 02/04/2012, 11:18 (GMT+7)
.
Xuất khẩu lúa gạo ở ĐBSCL:

Mổ xẻ nguyên nhân sụt giảm và dự báo

Hội thảo "Những giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL" do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 30-3 đã phân tích nguyên nhân xuất khẩu gạo sụt giảm và dự báo khả năng sắp tới.

Các doanh nghiệp thu mua lúa gạo theo dạng cầm chừng.
Các doanh nghiệp thu mua lúa gạo cầm chừng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, sau khi nước ta xuất khẩu gạo đạt kỷ lục 7,2 triệu tấn vào năm 2011 thì 3 tháng đầu năm 2012, sản lượng gạo xuất khẩu đã giảm 42,2% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1,1 triệu tấn.

Cùng thời điểm này, vụ lúa đông xuân 2012 đang thu hoạch rộ. Dù Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ 100% lãi suất trong 3 tháng cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thật sự chủ động mua vào do không có kho tạm trữ hoặc “sợ” lãi suất nên chỉ mua được khoảng 472.000 tấn tạm trữ.

Do vậy lượng lúa, gạo tồn đọng trong dân vẫn còn ở mức cao. Nguyên nhân là do năm nay thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thấp bị thu hẹp, thị trường xuất khẩu gạo loại này bị cạnh tranh về giá bởi Ấn Độ và Myanmar… Trong khi đó, lượng gạo phẩm cấp thấp (IR50404) lại chiếm tỷ trọng cao ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL.

Qua hội thảo, các diễn giả đã đưa ra giải pháp cần tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng sản xuất có quy mô lớn - đây là giải pháp đột phá của nông nghiệp hiện đại.

Muốn vậy, cần có sự liên kết vùng và sự tham gia của “4 nhà” để giúp nông dân ứng dụng các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất, thích ứng với hội nhập kinh tế thế giới và biến đổi khí hậu.

Đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh để ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó xây dựng thương hiệu riêng.

Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách để nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đầu tư công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát, nâng cao chất lượng hạt lúa; tiến tới xây dựng mô hình công ty cổ phần nông nghiệp giúp người nông dân làm giàu; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường...

Lý giải về nguyên nhân lúa gạo Việt Nam không tiêu thụ được giá cao, PGS. TS. Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) chỉ ra rằng: Do phần lớn lượng gạo được sản xuất ra từ các hộ dân (khoảng 4 triệu hộ), có quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, chuỗi sản xuất và tiêu thụ không đồng bộ.

“Nông dân chưa kiểm soát được giá vật tư đầu vào, cùng với việc phun xịt thuốc, bón phân quá nhiều làm cho chi phí tăng cao. Còn đầu ra thì có quá nhiều tầng nấc nên lợi nhuận bị giảm. Đặc biệt vấn đề công nghệ sau thu hoạch gần như bị bỏ ngỏ khiến cho chất lượng hạt gạo không đồng đều, gây khó khăn cho xuất khẩu. Liên kết “4 nhà” dù đã được triển khai nhưng thực tế chưa đi vào thực chất, thiếu hiệu quả” - ông Dư nói.

Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự kiến trong quý II - 2012 sẽ xuất khẩu 2 triệu tấn gạo. Thách thức lớn nhất hiện nay trong việc tiêu thụ gạo là giá vận chuyển tăng cao (thêm 4 USD/tấn), thiếu phương tiện vận chuyển (container)…

Ông Bảy cũng “trấn an” nông dân và các doanh nghiệp không nên quá bi quan về lượng gạo hàng hóa phẩm cấp thấp (IR 50404) vì tới đây sẽ còn nhiều kênh tiêu thụ khác như: Châu Phi, Trung Quốc, Indonesia… Trong đó, Trung Quốc là thị trường mới rất tiềm năng.

Ngoài lượng gạo tiểu ngạch khoảng 400.000 tấn/năm thì VFA đã ký hợp đồng với các đối tác phía Trung Quốc 600.000 tấn gạo và đã giao được 110.000 tấn. “Tới đây thị trường này còn nhiều triển vọng hơn nữa vì hiện nay, Bộ Công thương đang khẩn trương xúc tiến với phía Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này” - ông Bảy cho biết.

SĨ NGUYÊN

.
.
.