Thứ Tư, 30/05/2012, 08:59 (GMT+7)
.

Nghị quyết 13 của Chính phủ: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Một loạt chính sách ưu đãi về thuế và tài chính vừa được Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 13/NQ-CP chính là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường được các doanh nghiệp (DN) xem như là một “liều thuốc” giải cứu. Riêng tại Tiền Giang, Nghị quyết 13 của Chính phủ đang có những tác dụng nhất định đến nhiều DN.

Các DN sẽ được tháo gỡ khó khăn từ Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ.
Các DN sẽ được tháo gỡ khó khăn từ Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ.

Nghị quyết 13 của Chính phủ có một nội dung quan trọng được nhiều DN đặc biệt quan tâm đó là gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 4, 5 và tháng 6-2012 đối với 2 nhóm DN nhỏ và vừa; gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập DN đối với thuế thu nhập DN từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước. Giải pháp này vừa góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính, vừa tạo cơ hội mở rộng đầu ra cho DN.

Bà Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc Công ty cổ phần Dệt len Phương Nam (Khu công nghiệp Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) cho biết, ngay trong thời điểm khó khăn như hiện nay, nhóm giải pháp gia hạn 6 tháng nộp thuế giá trị gia tăng có rất nhiều ý nghĩa, bởi sẽ giúp DN tập trung đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí trả lãi tiền vay ngân hàng.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là việc gia hạn thuế giá trị gia tăng sẽ tác động trực tiếp đến việc giảm giá thành, chi phí sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao tính cạnh tranh.

Còn theo ông Đoàn Thành Đạt, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang, trường hợp được giãn thuế 6 tháng, DN sẽ sử dụng số tiền này tái đầu tư, tiếp tục triển khai dự án, thay vì phải tiếp tục gồng gánh phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.

Một trong những giải pháp được nhiều DN mong đợi nữa đó là việc giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 cho DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Theo các DN trên địa bàn tỉnh thì giải pháp đề ra là kịp thời, đúng mục tiêu và đối tượng chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Điều này thể hiện chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm giảm bớt những khó khăn cho DN trong giai đoạn hiện nay. Tiền thuê đất được giảm cũng là khoản tiền lớn giúp DN giảm chi phí đầu vào.

Bên cạnh đó, những nội dung cơ bản của Nghị quyết 13 là giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan bộ, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; hạ mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với các khu vực nông nghiệp - nông thôn, DN vừa và nhỏ, DN sản xuất hàng xuất khẩu, DN công nghiệp hỗ trợ; thực hiện các biện pháp tái cơ cấu lại nợ…

5 nhóm giải pháp chính tháo gỡ khó khăn cho DN

Theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, 5 nhóm giải pháp chính đã được đưa ra nhằm giúp các DN vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại, cũng như củng cố hoạt động để phát triển bền vững. Cụ thể:

1. Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 4, tháng 5 và tháng 6-2012 đối với 2 nhóm DN nhỏ và vừa.

2. Gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập DN từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước; bên cạnh đó, miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối.

3. Giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế; bên cạnh đó, gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính.

4. Báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định giảm, miễn 30% thuế thu nhập DN phải nộp năm 2012 đối với các DN nhỏ và vừa.

5. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay được vốn, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn; DN vừa và nhỏ; DN sản xuất hàng xuất khẩu; DN công nghiệp hỗ trợ.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang thì hiện nay các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất giảm. Nhóm khách hàng thuộc khu vực nông nghiệp - nông thôn, DN vừa và nhỏ, DN sản xuất hàng xuất khẩu, DN công nghiệp hỗ trợ được vay vốn với lãi suất không quá 14%/năm.

Nhiều ý kiến cho rằng mức giảm lãi suất như trên là khá ấn tượng. Tuy nhiên, điều mong muốn của các DN là lãi suất ngân hàng cần duy trì ở mức ổn định và lâu dài.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả và theo đúng quy định. Thực hiện các biện pháp phù hợp để tăng cường thu hút, đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...

Nghị quyết 13/NQ-CP được xem là nỗ lực cần thiết, nhạy bén và kịp thời của Chính phủ, tập trung giải quyết những “điểm nóng” khó khăn của DN.

Do đó, việc triển khai ngay và thực hiện có hiệu quả nội dung Nghị quyết 13 của Chính phủ không chỉ giúp DN khắc phục được những khó khăn trước mắt, mà còn khuyến khích DN vượt khó, hỗ trợ cho nhiều DN tiếp tục tồn tại và chuẩn bị điều kiện phát triển ổn định, bền vững hơn.

Cùng với đó là gói hỗ trợ DN trị giá 29.000 tỷ đồng vừa được công bố; đồng thời Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất vay 14%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên; giá xăng dầu được điều chỉnh giảm… Những tín hiệu đã và đang tạo dựng lại niềm tin cho DN. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là sự vận động tích cực của DN trong chiến lược sản xuất, kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển.

PHƯƠNG NGHI
 

.
.
.