Thứ Tư, 02/05/2012, 18:25 (GMT+7)
.

Cơ giới hóa - “bệ phóng” để phát triển nông nghiệp

Đó là ý kiến được nhiều đại biểu đồng tình với nhiều giải pháp khả thi thông qua Hội thảo “Cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa - mô hình cánh đồng mẫu lớn” do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 28-4.

Người dân huyện Cái Bè vận chuyển lúa về nhà bằng cơ giới sau khi không bán được tại ruộng.                                          Ảnh: Sĩ Nguyên
Người dân huyện Cái Bè vận chuyển lúa về nhà bằng cơ giới. Ảnh: Sĩ Nguyên

Cơ giới hóa thiếu và yếu

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI) cho biết, cơ giới hóa nông nghiệp được tiến hành sâu rộng sẽ giải phóng một lượng lớn lao động trong nông nghiệp, tăng thêm nguồn cung cho khu vực công nghiệp vốn đang rất thiếu. Nó cũng làm tăng đáng kể năng suất lao động nông nghiệp thông qua chuyển dịch cơ cấu và nâng cao trình độ kỹ thuật của lao động trong nông nghiệp.

Cơ giới hóa và sử dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch cũng sẽ cải thiện chất lượng sản phẩm và làm tăng đáng kể lượng hàng hóa thương phẩm của nông sản, cung cấp cho thị trường.

Thống kê cho thấy, ở ĐBSCL cơ giới hóa từng bước thay đổi nhanh: Nếu như các năm 2005-2006, vùng ĐBSCL chỉ có khoảng 30 máy gặt đập liên hợp thì hiện nay đã có trên 7.000 máy, giải quyết trên 40% diện tích lúa. Năm 2005 có khoảng 6.600 máy sấy lúa thì nay đã có 9.600 máy, đáp ứng 33% sản lượng lúa hè thu.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả kinh tế; giải phóng bớt lực lượng lao động trong nông nghiệp, giảm cường độ lao động nặng nhọc cho nông dân.

Từ đó làm tăng hiệu quả sử dụng đất đai và lao động; mở rộng được diện tích canh tác, đáp ứng được yêu cầu sản xuất lớn; tiết kiệm được giống, phân bón, nước, năng lượng… cải thiện được chất lượng nông sản, sản phẩm; bảo vệ môi trường; đáp ứng kịp thời mùa vụ, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu…

Tuy nhiên, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa đồng bộ và phát triển chưa toàn diện. So với các nước trong khu vực, mức độ trang bị động lực của nông nghiệp Việt Nam còn thấp, bình quân đạt 1,3 CV/ha canh tác.

“Cơ giới hóa nông nghiệp chủ yếu ở khâu làm đất, tập trung cho cây lúa, tuốt đập, vận chuyển và xay xát lúa, gạo. Các khâu canh tác như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa và các loại cây trồng khác mức độ cơ giới hóa rất thấp, lao động thủ công vẫn là chủ yếu. Thu nhập của nông dân từ sản xuất nông nghiệp thấp, khả năng đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Trình độ sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo của nước ta vẫn còn ở mức thấp, năng lực nghiên cứu khoa học cũng như công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp còn nhiều hạn chế…” - ông Đỗ Văn Nam, Cục Chế biến, Thương mại Nông - Lâm - Thủy sản và Nghề muối cho biết.

Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Bảnh cho rằng: “Việc cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Việt Nam mà cụ thể là ở ĐBSCL còn yếu, còn tùy thuộc rất lớn vào trình độ và nguồn vốn của nông hộ. Cơ sở sản xuất công nghiệp phục vụ nông nghiệp còn rất yếu, trong khi máy móc nhập từ nước ngoài thường không phù hợp trong sản xuất hoặc quá cồng kềnh, quá đắt tiền so với quy mô sản xuất, khả năng của người nông dân.

Lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp là một trong những trở ngại trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, năng suất lao động thấp, chi phí đầu tư cao, các dịch vụ cơ khí đi theo dịch vụ này kém phát triển, đời sống bà con nông dân ở nông thôn còn nhiều khó khăn”.

Nông dân xã Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch lúa đông xuân 2011-2012.                               Ảnh: Sĩ Nguyên
Nông dân xã Hậu Mỹ Phú (Cái Bè) đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch lúa đông xuân 2011-2012. Ảnh: Sĩ Nguyên

Phải đẩy mạnh cơ giới hóa

Ông Lê Việt Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mê Kông cho rằng: Nền nông nghiệp nước ta vẫn chưa bền vững vì sản lượng nông nghiệp có tăng nhưng không đồng đều, sản xuất hàng hóa chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, điệp khúc “được mùa mất giá” luôn xảy ra.

Những tồn tại trên là do ruộng đất manh mún, duy trì quá lâu nền sản xuất nông nghiệp sản xuất nhỏ, trên 50% là lao động thủ công, cơ sở hạ tầng thiếu, trình độ sản xuất thấp… Do đó vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa gạo hàng hóa phải khẩn trương tiến hành. Trong đó, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn là phương tiện để đạt được mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Khải, Phó trưởng Bộ môn Kỹ thuật cơ khí, Khoa Công nghệ (Trường Đại học Cần Thơ), để ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp một cách có hiệu quả, cần thực hiện các giải pháp như: Hoàn chỉnh hệ thống thủy nông đảm bảo nguồn nước tưới, tăng kích thước lô thửa bằng nhiều biện pháp để tạo điều kiện cho các liên hợp máy (làm đất, phun thuốc, thu hoạch) hoạt động có hiệu quả, trang bị các loại máy tốn ít nhiên liệu trong quá trình sử dụng cho nông dân, tổ chức các lớp tập huấn về bảo trì, sử dụng máy gặt đập liên hợp cho nông dân…

Tiến sĩ Bảnh cho biết, hiện nay việc tăng cường cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp phải khẩn trương thực hiện để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn hội nhập. Theo đó, nhà nước cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện một số chính sách thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là sản xuất lúa, đẩy mạnh quy hoạch xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm phát huy tối đa vai trò liên kết “4 nhà”, đặc biệt là vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo trong việc đầu tư hệ thống sấy lúa, kho lúa… để thu mua tồn trữ lúa, nhất là giai đoạn thu hoạch rộ.

Đây chính là giải pháp thiết thực góp phần ổn định sản xuất, khắc phục tình trạng được mùa mất giá.
Tiến sĩ Bảnh cho biết thêm, Nhà nước cần có các chính sách thích hợp như hỗ trợ vốn cho nông dân, các đơn vị sản xuất cơ khí từng địa phương. Quan tâm công tác nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện cán bộ kỹ thuật, cũng như công nhân ngành cơ khí nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp. Có như vậy, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nước ta mới có cơ hội phát triển.

SĨ NGUYÊN - THẾ ANH

.
.
.