Đằng sau lời than “Mệt mỏi!” của doanh nghiệp
Lần gặp giám đốc một công ty xuất khẩu gần đây nhất, hỏi thăm tình hình kinh doanh, anh chỉ nói ngắn gọn: “Mệt mỏi!”.
“Mệt mỏi” không phải vì công ty đang bế tắc trong sản xuất - kinh doanh mà bởi đang chịu quá nhiều áp lực. Nào là những biến động thất thường của giá cả đầu vào, đầu ra, áp lực tài chính, xây dựng vùng nguyên liệu và áp lực để tái cấu trúc hệ thống quản trị, bộ máy vận hành của công ty để cố vượt qua vũng lầy của khủng hoảng.
Hai từ “mệt mỏi” gần đây xuất hiện khá nhiều khi được đề cập đến tình hình sản xuất - kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chắc hẳn không cần phải bàn thêm. Sự gãy đổ của nhiều đơn vị là hệ quả của chuỗi những “mệt mỏi” đó.
Có người phân tích rằng, sự gãy đổ của không ít doanh nghiệp không đơn thuần là do những biến động của lạm phát, của lãi vay ngân hàng cao… mà còn ở chính các đơn vị và ở cơ chế chính sách. Bằng chứng là những năm gần đây hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ được mở ra, bởi xu thế của kinh tế thị trường tạo ra nhiều cơ hội làm ăn, nhưng cũng còn do việc thành lập doanh nghiệp mới với thủ tục khá đơn giản.
Nếu như trước khi có Luật Doanh nghiệp, một đơn vị muốn mở ra kinh doanh phải mất từ 3-6 tháng, bộ hồ sơ với hàng chục con dấu, còn giờ đây có người ví von rằng chỉ cần “chiếc cặp không” cũng có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trong khi cơ chế hậu kiểm hiện nay chưa thật sự chặt chẽ.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2012 gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Thái Thiện. |
Bản thân đơn vị kinh doanh có vốn chủ sở hữu chẳng bao nhiêu, lại được sinh ra trong giai đoạn Nhà nước thực hiện các gói kích cầu của những năm 2008-2009 và đúng lúc các ngân hàng thương mại đang thừa vốn muốn “tung” vốn ra, nên không kiểm tra hồ sơ cho vay chặt chẽ.
Hầu hết các đơn vị kinh doanh trong giai đoạn này đều được ưu ái từ nhiều nguồn vốn khác nhau, lại có cơ hội làm ăn nên cứ thế mà doanh nghiệp đăng ký mới tăng lên. Đến lúc các gói kiềm chế lạm phát được Chính phủ tung ra, cắt đầu tư công, ngân hàng tăng lãi suất cho vay, giảm hạn mức tín dụng thì bất lợi nảy sinh và “mệt mỏi” ở các đơn vị bắt đầu xuất hiện.
Nếu như trong năm 2011, hầu hết các đơn vị trong giai đoạn chống chọi, cố vùng vẫy để vượt qua thì sang năm 2012 những “mệt mỏi” đó bắt đầu ngấm sâu vào cơ thể và tạo ra những khối u lớn. Công việc đơn giản hiện tại là cắt bỏ những khối u để tồn tại hoặc đi đến con đường khác là phá sản hay giải thể.
Ngoài ra, các chuyên gia còn chỉ ra nguyên nhân khác. Đó là công tác quản trị doanh nghiệp.
Chúng ta thừa biết rằng, có đến 80-90% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc diện vừa và nhỏ. Và cũng gần như tương ứng với tỷ lệ ấy, các đơn vị kinh doanh có nguồn gốc xuất thân từ hộ gia đình, làm theo kiểu cha truyền con nối. Khi quy mô tương đối lớn thì thành lập công ty nhưng mô hình quản lý vẫn mang tính chất là hộ gia đình. Khi kinh tế gặp khó khăn thì hầu hết không thể xử lý được và dễ dàng thất bại.
“Mệt mỏi” không chỉ dừng lại ở các đơn vị sản xuất - kinh doanh mà còn tạo nên hiệu ứng domino đối với nhiều ngành, lĩnh vực khác. Đó là ngân hàng, thu ngân sách, đời sống người lao động… Biểu hiện rõ ràng nhất là đối với thu ngân sách.
Một hội nghị gần như chưa từng có trước đây vừa được ngành Thuế tổ chức nhằm bàn giải pháp chống thất thu, nợ đọng thuế. Bởi theo nhận định của ngành Thuế, tình trạng này đang có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn.
Đành rằng, kinh tế thị trường phải tuân thủ theo luật chơi chung của nó, mạnh được yếu thua. Qua những xáo trộn này sẽ giúp sàng lọc bớt những đơn vị sản xuất - kinh doanh yếu kém, loại bỏ những đơn vị làm ăn lừa lọc, gian lận… và quan trọng hơn là giúp tái cấu trúc lại nền kinh tế.
Nó cũng được ví như giúp cắt bỏ những ung nhọt để cơ thể nền kinh tế nói chung và của tỉnh nói riêng lành lặn hơn. Công bằng mà nói, trong giai đoạn “lộn xộn” vừa qua cũng có không ít doanh nghiệp vẫn trụ vững, ăn nên làm ra và tiếp tục phát triển.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang cũng đã chủ trì hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Và rồi, những gói hỗ trợ của Chính phủ được thực thi sẽ giúp cho những đơn vị còn tồn tại sẽ vượt qua khó khăn và tiếp tục vươn tới.
Song để giải quyết dứt điểm những “tàn tích” còn lại không phải một sớm một chiều, cũng phải trải qua những chặng đường “mệt mỏi”!.
THẾ ANH