Thứ Hai, 14/05/2012, 14:05 (GMT+7)
.

Đào ao nuôi cá trên đất lúa - đừng vì lợi ích nhất thời...

Trong thời gian qua, trước sức hấp dẫn lợi ích nhất thời, nhiều người dân ở các xã: Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Phước Tây (Cai Lậy) đã ồ ạt đào ao chuyển từ đất trồng lúa sang ương cá tra giống, dẫn đến phá vỡ vùng quy hoạch trồng lúa và gây ô nhiễm môi trường.

Vào thời điểm này, khi trở lại các xã trên thì việc người dân đào ao chuyển từ đất trồng lúa sang ương cá tra giống không còn diễn ra rầm rộ như trước mà có phần chững lại. Đây cũng là nhận định của ông Phạm Công Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, nơi có diện tích đất trồng lúa chuyển sang ương cá tra giống nhiều nhất của huyện Cai Lậy.

Ông Trung cho biết, chuyện người dân đào ao trên đất trồng lúa chuyển sang ương cá tra giống trên địa bàn xã bắt đầu từ năm 2010. Từ 5 ha ban đầu, hiện nay diện tích lúa của xã chuyển sang ương cá tra giống tăng lên 64,43 ha với 96 hộ.

Việc ương cá tra còn gây ô nhiễm môi trường và mạch nước ngầm do mỗi ao cá đều có khoan một giếng tầng nông. Chỉ riêng trên địa bàn xã Thạnh Lộc hiện đã có khoảng 40 giếng tầng nông được người dân đào trái phép. Bên cạnh đó, mỗi lần thu hoạch hoặc cải tạo ao, người dân phải vét hết phần đất bùn dưới đáy ao ra ngoài.

Trước việc làm này, chính quyền xã Thạnh Lộc đã kết hợp với Phòng NN&PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tuyên truyền người dân không sử dụng đất trồng lúa sai mục đích.

Bên cạnh đó giá cá tra giống đang giảm mạnh, chỉ còn khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg (so với trước đây giảm khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg), cộng với dịch bệnh xảy ra thường xuyên làm tỷ lệ cá chết khá cao, người ương không có lãi nhiều nên việc đào ao chững lại và cơ bản không còn diễn ra.

Nhiều ao ương cá tra giống ở xã Thạnh Lộc (Cai Lậy) được chuyển từ những ruộng lúa.
Nhiều ao ương cá tra giống ở xã Thạnh Lộc (Cai Lậy) được chuyển từ những ruộng lúa.

Theo thống kê, hiện có khoảng 150 hộ ở các xã: Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Phước Tây chuyển khoảng 100 ha đất trồng lúa sang đào ao ương cá giống.

Mặc dù vùng này không thuộc khu vực quy hoạch nuôi trồng thủy sản nhưng do trước đây việc ương cá tra giống lãi cao nên người dân tự phát chuyển từ đất lúa sang đào ao ương cá với diện tích tăng “chóng mặt” trong thời gian qua, gây nguy cơ phá vỡ quy hoạch vùng trồng lúa và gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, các nhà chuyên môn về thủy sản, các nhà quản lý cũng đã từng cảnh báo, việc đào đất lúa làm ao ương cá tra giống có thể mang lại lợi nhuận nhất thời cho người dân nhưng cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến hậu quả khó lường, do đầu ra không ổn định và dịch bệnh có nguy cơ tăng cao, bởi khu vực này chưa có cơ sở hạ tầng phục vụ ương cá giống.

Để kịp thời chấn chỉnh, bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và lãnh đạo huyện Cai Lậy rà soát lại tình hình nông dân đào ao trên đất lúa chuyển sang ương cá tra giống, tuyệt đối không được để bà con chạy theo phong trào, nhất thiết phải có biện pháp xử lý theo hướng quy hoạch vùng nào được nuôi, không được nuôi.

Theo đó, ngày 8-5-2012, UBND huyện Cai Lậy đã ban hành Văn bản số 303/UBND-NN về việc không cho phép tự phát đào ao nuôi cá trên diện tích đất trồng lúa và khoan giếng tầng nông trái phép.

Hành vi tự phát đào ao nuôi cá trên diện tích đất trồng lúa đã vi phạm Luật Đất đai về sử dụng đất không đúng mục đích, không được Nhà nước cho phép;

 Việc khoan giếng tầng nông đã vi phạm Chỉ thị 12/2005/CT-UBND của UBND tỉnh Tiền Giang về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong đó “Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân khoan giếng tầng nông dưới bất kỳ hình thức nào trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trường hợp đặc biệt khi có yêu cầu thì phải được UBND tỉnh cho phép mới được thực hiện”.

UBND huyện Cai Lậy cũng đã yêu cầu Phòng NN&PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, UBND các xã, thị trấn:

 Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân không được tự ý đào ao nuôi cá trên diện tích đất trồng lúa; thực hiện theo đúng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nuôi trồng thủy sản, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc ổn định diện tích đất sản xuất lúa, đảm bảo an ninh lương thực; chấp hành nghiêm quy định của UBND tỉnh về việc cấm khoan giếng tầng nông để bảo vệ tài nguyên nước.

Thường xuyên kiểm tra và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng của huyện để kịp thời có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm.

PHƯƠNG NGHI
 

.
.
.