Để kinh tế tập thể phát triển xứng tầm
Từ khi Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể ra đời, đến nay đã mang lại thành quả và tạo chuyển biến đáng kể đối với thành phần kinh tế tập thể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để thành phần kinh tế tập thể tương xứng với vai trò và vị trí quan trọng trong nền kinh tế hiện nay.
NÂNG CHẤT
Sở NN&PTNT cho biết, từ năm 2002 đến nay, cơ quan này đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đưa 11 cán bộ khoa học kỹ thuật về làm việc tại các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, giúp củng cố về tổ chức, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngành còn phối hợp với Liên minh HTX và các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn về thuế, kế toán, tin học, quản lý kinh tế tập thể với gần 3.600 lượt học viên tham gia; tổ chức đưa cán bộ HTX tham quan học hỏi kinh nghiệm, tham dự các hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài nước. Qua đó, hình ảnh nông sản Tiền Giang được quảng bá, nhiều hợp đồng tiêu thụ được ký kết.
Ngoài ra, các HTX còn được chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới như chương trình “3 giảm 3 tăng”, quy trình thâm canh tổng hợp, quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, quy trình sản xuất rau an toàn, hầm khí sinh học…; được hỗ trợ đào tạo dài hạn kế toán trưởng, cán bộ trình độ trung cấp ngân hàng cho quỹ tín dụng nhân dân; cán bộ dự nguồn chức danh chủ nhiệm HTX, trình độ trung cấp kế toán doanh nghiệp…
Chôm chôm Tân Phong được chứng nhận VietGAP, mở ra triển vọng xuất khẩu. Ảnh: Sĩ Nguyên. |
Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tập thể thông qua các HTX vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, thay thế máy móc thiết bị. Đó là sự cụ thể hóa quy chế sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển HTX do UBND tỉnh ban hành vào tháng 7-2004.
Đồng thời UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho 10 loại nông sản. Sở Khoa học công nghệ, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Khuyến công hỗ trợ 5 HTX, 3 tổ hợp tác cho vay 700 triệu đồng để thực hiện 8 dự án đầu tư máy móc, thiết bị, mở rộng sản xuất.
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hỗ trợ HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim xây dựng nhà đóng gói, trang thiết bị sản xuất cơ giới hóa khâu làm đất cho HTX Nông nghiệp Quyết Thắng; xây dựng vùng nguyên liệu, nhà kho bảo quản sau thu hoạch cho HTX Rau an toàn Gò Công và HTX ca cao; HTX Quang Minh xây dựng nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị sản xuất.
Các HTX còn được quan tâm đầu tư, hỗ trợ thiết thực như: HTX Rau an toàn Thân Cửu Nghĩa và HTX Chăn nuôi thủy sản Gò Công được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể; quảng bá thương hiệu cho sản phẩm, vùng sản xuất cho 4 loại trái cây: sơ ri, vú sữa Lò Rèn, khóm Tân Lập, xoài cát Hòa Lộc.
Các ngành, các cấp còn hỗ trợ HTX xây dựng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trên trái cây và lúa, VietGAP trên khóm, SQF 1000CM trên thủy sản… Đến nay, các sản phẩm trên đã được chứng nhận. Chính sách hỗ trợ tiếp thị và thông tin thị trường, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tư vấn… cũng được các ngành, các cấp quan tâm để tạo điều kiện cho HTX phát triển.
Chính quyền địa phương các cấp đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ HTX thuê đất làm văn phòng, nhà xưởng và đất sản xuất ổn định với giá ưu đãi. Cụ thể, đến nay có 78,85% HTX được tạo những điều kiện tốt trên để hoạt động.
Ngoài ra, quỹ cho vay giải quyết việc làm của Liên minh HTX Việt Nam đã cho 6 lượt HTX và 5 lượt tổ hợp tác vay để thực hiện 11 dự án với số vốn giải ngân trên 2 tỷ đồng. Trung tâm các Chương trình Kinh tế - Xã hội (Liên minh HTX Việt Nam ) hỗ trợ công cụ lao động, nguyên liệu, chi phí dạy nghề cho lao động nghèo ở làng nghề nón bàng buông xã Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành) với tổng số tiền 100 triệu đồng.
PHÁT TRIỂN CHƯA TƯƠNG XỨNG
Theo các cơ quan chức năng, trong 10 năm qua, kinh tế tập thể đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã viên, hộ xã viên phát triển, tăng thu nhập bình quân hàng năm trên 20% và thu hút ngày càng nhiều xã viên, hộ xã viên tham gia.
Tính đến cuối năm 2011, tổng vốn hoạt động của 104 HTX trong tỉnh tăng 437,5%; góp vốn tăng 282,3% so với năm 2002. Các đơn vị kinh tế tập thể có nhiều đóng góp vào ngân sách địa phương, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh lên bình quân trên 3 triệu USD/năm.
Thu mua vú sữa tại HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. |
Bên cạnh đó, các đơn vị kinh tế tập thể còn tham gia cung cấp các dịch vụ phục vụ đời sống xã viên, hộ xã viên, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cải thiện hạ tầng cơ sở…
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá, hoạt động của các đơn vị kinh tế tập thể còn gặp rất nhiều khó khăn, phát triển chậm, tồn tại nhiều hạn chế như quy mô hoạt động nhỏ, thiếu vốn; trình độ quản lý yếu kém…
Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, nhận định: “Phong trào kinh tế tập thể phát triển chậm và thiếu đồng bộ, một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể chưa sát thực tế và chưa phù hợp”.
Thực tế cho thấy nhiều HTX đang loay hoay tìm đầu ra sản phẩm, nhất là HTX nông nghiệp. Dẫn chứng cụ thể về vướng mắc trong đầu ra sản phẩm, ông Trần Văn Chí, Chủ nhiệm HTX Bình Nhì (Gò Công Tây) cho biết, những năm qua, HTX kết hợp với các ngành, nhà khoa học chuyển giao khoa học kỹ thuật đã góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp. Song khâu tiêu thụ còn rất khó khăn.
Các mùa vụ triển khai thí điểm mô hình hợp đồng cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm trong thời gian qua vẫn chưa đạt được hiệu quả. “Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp được xúc tiến ký kết trước mùa vụ nhưng cuối cùng không tiêu thụ được bao nhiêu do không thống nhất với nhau về giá cả, chất lượng sản phẩm; việc sản xuất còn manh mún, tự sản, tự tiêu nên rất khó trong việc thực hiện hợp đồng” - ông Chí nói.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 13, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng trong tỉnh tăng cường sự lãnh đạo đối với kinh tế tập thể, nhân rộng các mô hình hoạt động tốt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh phát triển hơn nữa thành phần kinh tế này.
N. VĂN