Thứ Tư, 16/05/2012, 09:06 (GMT+7)
.

Doanh nghiệp trong "cơn bão" lớn: Gãy đổ

Hàng loạt chi phí đầu vào: Lãi suất vay ngân hàng, giá xăng, điện, nguyên vật liệu đều nằm trong cuộc đua phi mã đã và đang đẩy doanh nghiệp vào tình thế chống chọi đầy khó khăn, vất vả.

Con số khoảng 500.000 doanh nghiệp của cả nước, hàng trăm doanh nghiệp của tỉnh đang trong tình trạng ngưng hoạt động hay phá sản đã phản ảnh phần nào tình thế của các doanh nghiệp hiện nay. Và những “cơn bão” này vẫn chưa dừng lại.

Theo con số của ngành Thuế, trong năm 2011 trên địa bàn tỉnh có 316 doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh lại có thêm 197 doanh nghiệp nằm trong diện này, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành Xây dựng và kinh doanh lương thực. Tất nhiên, danh sách doanh nghiệp có nguy cơ “gãy đổ” trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ dài thêm.

Sản xuất đình đốn

Nhiều người ví von rằng đỉnh điểm của những “cơn bão” hay “sóng thần” đã đi qua, giờ là lúc doanh nghiệp đang phải “dọn dẹp” những tàn tích mà nó để lại và tiếp tục vươn tới. Điều này dựa trên cơ sở nền kinh tế thế giới dần đi vào ổn định, lạm phát trong nước đã được kiềm chế cùng với nó là hàng loạt các chi phí đầu vào cho sản xuất đã đi theo chiều hướng ngược lại.

Ngành xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ngành xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Song, dọn dẹp những tàn tích cũng không phải là điều đơn giản. Ông Đoàn Thành Đạt, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang nhiều lần tâm tư: Lạm phát “nhồi đi, nhồi lại” đã tác động nặng nề đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và ngành Xây dựng nói riêng. Chỉ riêng mảng xây dựng cơ bản, thời gian vừa qua đã trượt giá khoảng 30-40%.

Các mặt hàng xăng dầu, vật tư, điện và các phí đầu vào tăng đồng loạt; trong khi đầu ra của doanh nghiệp bị bế tắc, sản xuất bị đình đốn lại phải đối mặt với lãi suất cho vay của các tổ chức tài chính tăng cao. Đầu ra của ngân hàng cho vay cao, cộng thêm chi phí khác đã lên  tới mức 28-29%/năm nên tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp không thể đảm đương nổi.

“Vì lẽ đó, có rất nhiều doanh nghiệp trong ngành xong chu trình sản xuất thì ngưng lại, “đóng cửa đi chơi” sẽ tốt hơn, an toàn hơn là tiếp tục sản xuất - kinh doanh. Trong khi một số doanh nghiệp đã “phóng lao phải theo lao”, biết lỗ nhưng vẫn phải làm, nếu không bị phạt hợp đồng rất lớn. Bên cạnh đó, còn có lực lượng lao động, máy móc thiết bị nên không thể muốn ngưng sản xuất thì ngưng ngay được. Do vậy, khó khăn lại chồng thêm khó khăn” - ông Đoàn Thành Đạt nhận định.

Lãnh đạo một công ty có quy mô tương đối lớn trong ngành Xây dựng tâm tư: Công ty phải đối mặt với sự tăng chóng mặt của các loại chi phí đầu vào, bên cạnh đó công ty còn gặp rất nhiều khó khăn do nguồn vốn vay ít, công trình thi công giảm đáng kể, chi phí đầu vào tăng. Do vậy, các công trình chuyển tiếp từ năm 2011 sang hoặc những công trình trúng thầu từ đầu năm 2012 đều bị lỗ về giá vật tư.

Đồng thời, nguồn vốn ngân sách dành cho xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn, ngân hàng thực hiện giải pháp thắt chặt tài chính, hạn mức tín dụng cho vay có hạn, lãi suất liên tục tăng cao. Chỉ riêng năm 2011, công ty phải trả lãi vay trên 3,2 tỷ đồng, trong khi trong năm 2010 chỉ ở khoảng 1,6 tỷ đồng.

Từ những khó khăn của nền kinh tế nói chung và của công ty nói riêng, các chỉ tiêu kế hoạch của công ty chỉ đạt 68% kế hoạch. Trong khi đó, nợ phải trả của công ty chiếm đến 90% tổng nguồn vốn, trong khi tỷ lệ nợ thu hồi chỉ đạt được 36,6% trên doanh thu.

Cùng chung tình cảnh này, để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hiệp Hòa đề nghị, đối với tình hình vật liệu xây dựng biến động vừa qua, Nhà nước cần điều chỉnh đơn giá một số mặt hàng tăng trên 20% như:

Xi măng, sắt thép, gạch xây, sản phẩm nhôm, gạch ốp lát, dây cáp điện, ống nhựa, cát đá xây dựng; điều chỉnh lãi vay ngân hàng còn từ 9-10%/năm; cho giãn nợ từ 6-12 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn; đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn từ 15-20% và giãn thời gian nộp thuế từ 12-18 tháng.

Đối với khối lượng các công trình đã được nghiệm thu, nhưng chủ đầu tư chậm thanh toán, để giúp đỡ doanh nghiệp tiếp tục thi công các phần việc kế tiếp, đề nghị ngân hàng cho doanh nghiệp được thế chấp khối lượng công trình để vay một số vốn tương ứng 80% giá trị thực hiện.

Phá sản, giải thể

Bên cạnh ngành Xây dựng, ngành kinh doanh lương thực - một trong những ngành chủ lực của tỉnh cũng nằm trong diện cực kỳ khó khăn. Phá sản hay giải thể những doanh nghiệp trong lĩnh vực này là một trong những câu chuyện buồn, nhưng thực tế đã và đang diễn ra.

Số doanh nghiệp nợ đọng thuế trong ngành lương thực đang rất cao.
Số doanh nghiệp nhóm ngành lương thực đang nợ đọng thuế rất cao.

Theo Sở Công thương, trong quí I-2012 tình hình kinh doanh xuất khẩu trong nhóm ngành Lương thực giảm rất sâu. Số liệu cụ thể, toàn tỉnh xuất khẩu được 13.400 tấn gạo, trị giá 9 triệu USD, giảm 77,1% về số lượng xuất khẩu và 67,3% về giá trị.

Nguyên nhân do các doanh nghiệp chưa ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu, gạo cấp thấp những tháng gần đây hầu như không xuất khẩu được, chỉ xuất được các loại gạo thơm, nếp và gạo đồ. Điều này cho thấy “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong nhóm ngành này bị suy giảm đáng kể.

Từng là một trong những doanh nghiệp kinh doanh lương thực có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, những ngày gần đây Công ty TNHH T.P (Châu Thành) phải gửi đơn xin cứu xét đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành liên quan để được hỗ trợ vượt qua khó khăn.

Theo lãnh đạo công ty, do biến động của trượt giá, lãi vay ngân hàng và một phần do công ty làm ăn thua lỗ dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán ngân hàng với số nợ vay là 87,5 tỷ đồng.

“Với trách nhiệm và nghĩa vụ thanh lý nợ ngân hàng và nợ khác, sự tha thiết đứng lên và từng bước ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, hiện tại vẫn còn một số khách hàng nước ngoài và trong nước vẫn còn giao dịch và đặt gạo theo lịch hàng năm với công ty. Do vậy, công ty mong được khoanh nợ và trả dần nợ gốc trong vòng 10 năm và có phương án tháo gỡ khó khăn cho công ty” - vị giám đốc của công ty này mong muốn như vậy.

Sự biến động giá gạo bất thường trong thời gian qua, cùng với việc đổ xô vào kinh doanh gạo và hàng loạt chi phí biến động khác là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp kinh doanh lương thực

Theo Công an tỉnh, tính đến tháng 3-2012, trên địa bàn tỉnh có 76 doanh nghiệp còn nợ tiền thuế với số tiền 244 tỷ đồng; trong đó 11 doanh nghiệp đã bỏ trốn với số tiền trên 1,3 tỷ đồng, 39 doanh nghiệp ngừng kinh doanh nhưng không làm thủ tục phá sản, giải thể với tổng số tiền nợ thuế là 65,5 tỷ đồng; 26 doanh nghiệp đang còn hoạt động nhưng còn nợ thuế kéo dài với số tiền trên 90,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý là nhóm ngành Lương thực, trong 32 doanh nghiệp (13 doanh nghiệp nợ thuế kéo dài, 19 doanh nghiệp ngừng hoạt động), với tổng tiền nợ thuế trên 104 tỷ đồng và nợ tiền ngân hàng trên 300 tỷ đồng, các khoản nợ khác trên 100 tỷ đồng.

Chỉ tính 13 doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng (8 doanh nghiệp nợ thuế kéo dài, 3 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 2 doanh nghiệp bỏ trốn) có số tiền nợ thuế 8,8 tỷ đồng.

Đối với 5 doanh nghiệp trong ngành Thủy sản (1 doanh nghiệp nợ thuế kéo dài, 1 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 3 doanh nghiệp bỏ trốn) cũng có số tiền nợ thuế trên 2,5 tỷ đồng...

Theo số liệu từ ngành Thuế, trong danh sách các đơn vị còn nợ đọng thuế kéo dài và mất khả năng thanh toán, ngành Lương thực chiếm tỷ trọng rất lớn. Hàng loạt doanh nghiệp trong ngành đã không còn khả năng thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng và nộp ngân sách Nhà nước.

Trong danh sách mà ngành Thuế đề nghị tạm dừng sang nhượng tài sản doanh nghiệp, có 14 doanh nghiệp kinh doanh lương thực tập trung ở huyện Cai Lậy, Châu Thành.

Trong nhóm này, có nhiều doanh nghiệp thuộc vào top đầu của ngành kinh doanh lương thực những năm trước đây, với số lượng kinh doanh rất lớn, giờ được ngành Thuế xếp vào dạng phá sản, có dấu hiệu lừa đảo, mất khả năng thanh toán và dây dưa không chịu nộp thuế.

Trong số này, doanh nghiệp nợ thuế thấp nhất là 1,8 tỷ đồng và cao nhất gần 25 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, hàng chục doanh nghiệp khác cũng nằm trong diện được ngành Thuế điểm danh và thực hiện hàng loạt giải pháp như tiến hành xác minh tài sản, trích tiền từ tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng và thu tiền tại các tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; áp dụng cưỡng chế và phân kỳ nộp theo cam kết.

Theo lãnh đạo ngành Thuế, một trong những nguyên nhân nợ đọng thuế kéo dài là do tình hình kinh tế suy thoái, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn phát sinh lỗ lớn, một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng lỗ kéo dài. Sức tiêu thụ hàng hóa chậm, nợ bán hàng hóa, sản phẩm không thu được nên không có tiền nộp thuế.

Mặt khác, chính sách thắt chặt tiền tệ của Nhà nước, ngân hàng thắt chặt cho vay, lãi suất cao nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận phạt nộp chậm để chiếm dụng tiền thuế để làm vốn kinh doanh, các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế.           

THẾ ANH

Kỳ sau: Vượt sóng.

.
.
.