Doanh nghiệp trong “cơn bão” lớn: Vượt sóng
Tự cứu mình trước khi chờ đợi những gói hỗ trợ từ Nhà nước là điều mà các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, dự báo những cơn “sóng ngầm” vẫn còn đeo đuổi nên rất có thể khó khăn sẽ chồng thêm khó khăn.
Khó chồng khó
Rất nhiều chi phí đầu vào hiện nay đã hạ nhiệt là động thái tốt đối với doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp đang loay hoay để giải quyết những tồn tại và tái cấu trúc lại hoạt động. Song hành với các yếu tố này lại nảy sinh những yếu tố bất lợi khác. Nổi cộm nhất là các loại chi phí vận chuyển hàng hóa.
Hạ lãi suất vay là một trong những điều mà doanh nghiệp đang mong đợi. |
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm thông tin, theo tính toán của các chuyên gia, một phương tiện chở hàng hóa từ TP. Hồ Chí Minh về Mỹ Tho giá cước cho mỗi chuyến hàng là 1,2 triệu đồng nhưng phí đường cao tốc đã chiếm hết 640.000 đồng.
Một tính toán khác cũng cho thấy, một chuyến hàng từ Cát Lái về Cần Thơ cước trung bình là 7 triệu đồng nhưng phí giao thông đường bộ chiếm 1,4 triệu đồng. Tính chung phí giao thông đường bộ chiếm từ 18-20% cước vận chuyển. Đây là những khoản phí công khai, có giấy tờ.
Còn bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Sông Tiền (Sotico) lại thông tin về khía cạnh xuất khẩu. Bà dự báo rằng, hiện tại ngành hàng xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn, nếu tình hình này kéo dài cho đến tháng 7 sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc thua lỗ. Nguyên nhân chính là tỷ lệ tăng giá đầu vào cao hơn đầu ra, chưa kể lãi suất vay và chi phí tồn kho.
Trước tình thế khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT chia sẻ rằng, trong kinh doanh hiện tại doanh nghiệp cần cẩn thận trước khi giao dịch. Nếu như giao dịch với đối tác mới cũng cần có vài thủ thuật để kiểm tra “sức khỏe” của đối tác đó xem khả năng như thế nào mới tiến hành.
Nếu không khéo dễ bị tình trạng chiếm dụng vốn vì thực tế doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã gặp phải. Chẳng hạn, gần đây là Công ty cổ phần Môi trường Việt Úc thực hiện dự án xử lý rác ở Gò Công nhưng vốn chẳng có bao nhiêu lại huy động các tổ chức, cá nhân với nhiều chiêu thức với số tiền khá lớn và đang bị xử lý. Càng khó khăn càng dễ nảy sinh những chiêu thức khác nhau.
Trong khi đó, việc thanh quyết toán các công trình thuộc vốn Nhà nước của tỉnh còn phụ thuộc vào nguồn thu và nguồn vốn từ Chính phủ nên cũng mong được chia sẻ từ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng. Chẳng hạn, vốn chương trình mục tiêu thông thường cuối năm trước là có thông báo bố trí vốn cho năm sau, nhưng năm 2012 đến cuối tháng 4 mới được thông báo nguồn vốn này.
Chờ động thái từ ngân hàng
Doanh nghiệp hiện tại đang chờ đợi những động thái từ Nhà nước thông qua các gói hỗ trợ để cứu doanh nghiệp thoát khỏi “vũng lầy”. Gần đây, nhất là thông tin giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, để được hưởng gói lãi suất hấp dẫn cũng không phải là điều đơn giản.
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang cho biết, thời gian qua ngành Ngân hàng cũng đã tiếp sức rất nhiều cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Bằng chứng là dư nợ cho vay toàn quốc quý I giảm 1,96 %, riêng ở Tiền Giang tăng được 2,25% so với đầu năm. Về lãi suất cho vay, trước khi có Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ lãi vay từ 16%/năm trở xuống là 1.827 tỷ đồng, chiếm trên 12% dư nợ; trong đó dưới 15% là 926 tỷ đồng và trong tháng 4 tăng thêm 3,44% tương đương 459 tỷ đồng; từ 18%/năm trở lên tháng 4 so với tháng 3 giảm 6,15%, với số tiền trên 1.000 tỷ đồng để lùi về lãi suất 16% hoặc dưới 16%/năm.
Như vậy, ngành Ngân hàng đã có gói lãi suất thấp từ trước khi có Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước và trong tháng 5, tỷ lệ nợ có lãi suất từ 15%/năm trở xuống sẽ tăng lên nhanh chóng. “Tuy nhiên, ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên tới đây điều kiện cho vay chắc chắn sẽ khắt khe hơn. Do trước đây có gói kích cầu, nhiều ngân hàng mở ra, vốn huy động nhiều nên các ngân hàng hạ mức tín dụng xuống và tung tiền ra nhiều, sự kiểm tra, kiểm soát thiếu chặt chẽ.
Trong khi đó, việc khoanh nợ, xóa nợ hiện nay chưa có chủ trương của nhà nước. Hiện tại, chỉ có chủ trương giảm lãi suất cho vay và cơ cấu lại nợ vay nhưng cũng áp dụng với những đối tượng cụ thể” - ông Võ Thanh Nhã nhấn mạnh.
Để hỗ trợ sản xuất-kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước vừa có Thông tư quy định lãi suất cho vay ngắn hạn với VND ở 4 lĩnh vực ưu tiên không quá 3% lãi suất huy động, tức vào khoảng 15%, bao gồm:
- Phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn quy định tại Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Thực hiện phương án, dự án sản xuất-kinh doanh hàng xuất khẩu quy định tại Luật Thương mại.
- Phục vụ sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ, vừa và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ quy định tại Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ…
THẾ ANH