Đơn vị dẫn đầu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
Hưởng ứng các phong trào thi đua do Sở NN&PTNT và Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh) phát động qua các chuyên đề thi đua, trong 5 năm qua, ngành Nông nghiệp huyện Cai Lậy đã phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ giàu tâm huyết, có chuyên môn, cùng với điều kiện cơ sở vật chất sẵn có đã nghiên cứu, đưa ra nhiều đề tài khoa học, sáng kiến, nhiều mô hình hay ứng dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cao.
BIỆN PHÁP NÉ RẦY VÀ HIỆU ỨNG
Trong vụ sản xuất lúa hè thu chính vụ năm 2006, huyện Cai Lậy có 1/3 diện tích lúa bị thiệt hại nặng do rầy nâu truyền virus gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, năng suất lúa chỉ đạt 3 - 3,5 tấn/ha. Từ những ghi nhận thực tế, ngành Nông nghiệp huyện Cai Lậy đã đưa ra biện pháp giảm thiệt hại do rầy nâu truyền virus gây bệnh bằng cách gieo sạ đồng loạt “né rầy”, được thực hiện trong vụ đông xuân 2006-2007. Kết quả, năng suất lúa này đạt bình quân trên 7 tấn/ha.
Tiến sĩ Lê Hữu Hải - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy hướng dẫn nông dân ương hoa giống trồng dẫn dụ thiên địch. Ảnh: Vân Trường. |
Với những kết quả đạt được lần đó, biện pháp gieo sạ đồng loạt né rầy được tiếp tục thực hiện sang vụ hè thu sớm 2007 cho đến nay. Nhờ áp dụng cách làm này cùng với việc thường xuyên theo dõi và hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trị các đối tượng sâu bệnh nên sản xuất và sản lượng lúa của huyện Cai Lậy từ cuối năm 2006 đến 2011 đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Huyện không còn ghi nhận được diện tích bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp huyện còn tổ chức các cuộc hội thảo, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trong nhân dân về lịch thời vụ có tác dụng giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời kết hợp việc chuyển giao khoa học công nghệ, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng địa phương, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đây là sáng kiến được ngành Nông nghiệp đánh giá cao và được nhân rộng ra khu vực phía Nam, là điển hình qua chuyên đề thi đua mà tỉnh phát động trong phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.
Với những kết quả đó, năm 2007 Cai Lậy là huyện đầu tiên được nhận cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh về thực hiện chuyên đề thi đua phòng, chống dịch bệnh trên cây lúa. Đó còn là tiền đề để Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh tiếp tục phát động chuyên đề những năm tiếp theo.
KỊP THỜI ỨNG PHÓ, BẢO VỆ ĐỒNG LÚA, VƯỜN CÂY TRƯỚC LŨ LỚN
Mùa lũ năm 2011 đến sớm, mực nước dâng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng trồng cây ăn trái và diện tích lúa đang trong thời kỳ sinh trưởng, có nguy cơ bị ngập nặng.
Trước tình thế trên, ngành Nông nghiệp huyện Cai Lậy kịp thời kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đê bao, đề xuất giải pháp gia cố 45,5 km đê bao, nâng cấp, gia cố 7 đập thép và gia cố 87 đập bán kiên cố đã xuống cấp, xử lý 92 điểm sạt lở.
Qua đây đã bảo vệ triệt để 14.322 ha vườn chuyên canh Nam QL1A. Đối với vùng trồng lúa, đã nâng cấp kịp thời 9,5 km đê bao bảo vệ triệt để 600 ha lúa ở xã Mỹ Thành Bắc không bị thiệt hại, giảm tổn thất của nhân dân ước tính gần 21 tỷ đồng.
Trồng hoa dẫn dụ thiên địch tại cánh đồng Mỹ Thành Nam. Ảnh: Vân Trường. |
ĐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG DÂN
Hàng năm, ngành Nông nghiệp huyện luôn có kế hoạch, tổ chức tập huấn, hội thảo, tuyên truyền cho nông dân các chuyên đề về giống lúa, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, chương trình “3 giảm 3 tăng” trên cây lúa, chương trình IPM trên cây có múi… đặc biệt hướng nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất theo các tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP, công nghệ sinh thái…
Điểm mới của nông dân là mạnh dạn đưa công cụ sạ hàng và máy gặt đập liên hợp cho 3 vụ lúa, bộ giống lúa mới, giống heo hướng nạc, quản lý dịch hại tổng hợp theo hướng IPM… tiết kiệm chi phí đầu vào mỗi năm hàng tỷ đồng.
Trên cây màu, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng trên đất lúa trồng màu đem lại lợi nhuận tăng gấp 1,5 - 2 lần so trồng lúa.
Về kinh tế vườn, ngành đã khuyến cáo nông dân từ bỏ lối canh tác cũ, chuyển sang trồng tập trung các loại cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, cam sành, bưởi da xanh... Việc xử lý trái mùa nghịch đã giúp cho nông dân đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha tại các xã: Ngũ Hiệp, Tam Bình…
Trên lĩnh vực chăn nuôi, mặc dù có sự biến động dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá đầu ra xuống thấp bất lợi cho người chăn nuôi. Nhưng có sự hỗ trợ tích cực của ngành Thú y và các ngành có liên quan đã tạo điều kiện để lĩnh vực chăn nuôi phát triển ổn định.
Năm 2006, ngành Nông nghiệp huyện Cai Lậy đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và từ đó đến nay hàng năm đều nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, giấy khen của UBND huyện và đang được đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. |
Với mạng lưới sông rạch chằng chịt, phong trào thủy sản phát triển khá mạnh, đặc biệt là các mô hình nuôi cá da trơn ven sông Tiền, ương cá giống, cá xuất khẩu và có hơn 300 bè nuôi cá điêu hồng đang hoạt động đem thu nhập khá cao cho người nuôi và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SX-KD) giỏi của huyện Cai Lậy ngày càng phát triển, hàng năm số lượng nông dân SX-KD giỏi ngày càng tăng về số lượng, quy mô sản xuất càng lớn hơn, lợi nhuận của người nông dân ngày càng cao. Năm 2011 có hơn 50 nông dân được tuyên dương nông dân SX-KD giỏi cấp tỉnh, dẫn đầu trong 10 huyện, thành, thị.
Qua các phong trào thi đua, ngành Nông nghiệp huyện Cai Lậy đã có nhiều đóng góp trong phát triển sản xuất của nông dân, giúp cho nông dân nâng cao kiến thức, áp dụng KHKT vào sản xuất và đã có chuyển biến tích cực, nhận thức của nông dân cũng được nâng cao, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đời sống vật chất, tinh thần nông dân được cải thiện, đã làm bộ mặt nông thôn thay đổi tích cực.
Đó là nhân tố quan trọng hưởng ứng phong trào thi đua “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2020 mà UBND tỉnh đã phát động.
XUÂN HÒA