Thứ Tư, 02/05/2012, 18:43 (GMT+7)
.

Đừng vì "chất cấm" mà vạ lây cho thịt heo

Trước thông tin có cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm (chất tạo nạc) trong chăn nuôi heo, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng ở TP. Mỹ Tho đã quay lưng với thịt heo dẫn đến hệ lụy dây chuyền: Ngành hàng thịt gia súc, đặc biệt là thịt heo và người chăn nuôi chân chính trên địa bàn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Qua khảo sát tại một số chợ trên địa bàn TP. Mỹ Tho như: chợ Thạnh Trị (P.4), chợ Cũ (P.8), dù đã giảm lượng, song các quầy sạp bán thịt heo đều giảm người mua. Theo các tiểu thương, hiện giá các loại thịt heo đã giảm từ 5-8% so với trước. Cụ thể, giá thịt heo đùi, ba rọi giảm 5.000 đồng, giá bán dao động khoảng 75.000 - 80.000 đồng/kg; thịt nạc giảm 4.000 đồng/kg, còn khoảng 80.000 đồng/kg, sườn non khoảng 90.000 - 95.000 đồng/kg…

Mặc dù đã bán giảm số lượng, nhưng  đến 11 giờ số lượng thịt heo tại sạp của chị Hà Thị Diễm ở chợ Thạnh Trị (phường 4) vẫn còn nhiều.
Mặc dù đã bán giảm số lượng nhưng đến 11 giờ, thịt heo tại sạp của chị Hà Thị Diễm ở chợ Thạnh Trị (P.4) vẫn còn nhiều.

Hệ lụy kéo theo là các lò giết mổ tập trung trên địa bàn TP. Mỹ Tho giảm công suất, giảm doanh thu. Là 1 trong 4 lò giết mổ tập trung cung cấp lượng thịt chủ yếu cho toàn TP. Mỹ Tho, thời gian gần đây, doanh số của lò giết mổ tập trung gia súc, gia cầm thuộc HTX Tân Mỹ Chánh cũng không ngoại lệ.

Ông Bùi Hồng Thái, Trưởng ban quản lý lò giết mổ tập trung gia súc, gia cầm thuộc HTX Tân Mỹ Chánh cho biết, trước đây mỗi ngày lò giết mổ trên 80 con heo, giờ đây chỉ giết khoảng 60 con. Điều này đã cắt giảm thu nhập của anh em công nhân. Ông Thái nói: “Lương của anh em hưởng theo sản phẩm. Vì vậy, khi doanh số giết mổ giảm, thu nhập của anh em công nhân đã giảm 1,5 triệu đồng/ tháng so với trước”.

Đối với người chăn nuôi chân chính cũng bị “vạ lây”. Để bán được đàn heo 20 con, bà Lê Thị Hồng Sơn ở ấp 4 (xã Trung An, TP. Mỹ Tho) đã phải liên hệ với 5 thương lái và phải đợi gần 20 ngày mới bán được và sau 3 ngày mới lấy được tiền. Bán đợt heo vừa rồi, bà Sơn lỗ gần 6 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc và các chi phí khác…

Bà Sơn nêu khó khăn phát sinh: “Không bán được heo, chúng tôi không có nguồn vốn để xoay xở. Trong khi đó, tiền thức ăn mua của các doanh nghiệp đến hạn phải thanh toán. Ngoài ra, heo đến thời điểm xuất bán mà để nuôi thì heo chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài dẫn đến thua lỗ cao hơn”.

Theo các hộ chăn nuôi, những tháng trong Tết Nhâm Thìn, thịt heo hơi có giá trên 5 triệu đồng/tạ, người chăn nuôi có lãi khoảng 500 ngàn đồng/tạ. Nhưng đến thời điểm này, giá heo giảm mạnh chỉ còn từ 4,2 - 4,3 triệu đồng/tạ, do đó người chăn nuôi heo phải chịu thua lỗ.

Ông Trang Sĩ Thanh Bình, Trưởng Trạm Thú y TP. Mỹ Tho cho biết, qua các cuộc kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm tại các lò giết mổ tập trung, các cơ sở chăn nuôi và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn TP. Mỹ Tho, đến thời điểm hiện tại, các ngành chức năng chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng chất cấm (chất tạo nạc) trong chăn nuôi heo.

Vì vậy, ông Bình khuyến cáo người dân trên địa bàn không nên quay lưng với thịt heo. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, người dân cần chú ý mua nguồn thịt đã qua kiểm soát giết mổ của ngành Thú y và không nên sử dụng nguồn thịt không rõ nguồn gốc.

BÁ THỦY

.
.
.