Thứ Tư, 16/05/2012, 10:13 (GMT+7)
.

Giải pháp nào để tăng hiệu quả vụ lúa hè thu 2012?

Từ vụ đông xuân 2011-2012 thắng lợi cả về năng suất, sản lượng chỉ có điều là lợi nhuận thấp hơn năm trước, trong khi đây là thước đo chủ yếu về hiệu quả. Vì vậy chuyện “rút kinh nghiệm” và tìm giải pháp để tăng hiệu quả qua lợi nhuận là vấn đề đáng quan tâm.

Vụ Đông xuân thắng lợi nhưng chưa "ngon"

Vụ đông xuân 2011-2012, Tiền Giang đã đạt thắng lợi cả về năng suất, sản lượng; cụ thể đến nay tỉnh đã thu hoạch trên 545 ngàn tấn lúa, tăng trên 3 ngàn tấn lúa so kế hoạch. Tuy nhiên, nhóm lúa thường  (chủ yếu là IR50404) chiếm tới 34% (trên 27.000 ha, tăng tới 18% so với vụ đông xuân 2010-2011), tập trung ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước.

Lý giải thực trạng này, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng năm nay lũ rút chậm, để đảm bảo sản xuất 3 vụ/năm nên đa số nông dân ở các huyện phía Tây sử dụng giống ngắn ngày, chất lượng thấp (IR50404), điều này dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, làm giảm giá lúa hàng hóa khi vào mùa thu hoạch tập trung.

Theo ngành Nông nghiệp, qua điều tra giá thành sản xuất, mặc dù năm nay người trồng lúa giảm bón lượng phân urê từ 30-50 kg/ha nhưng công lao động lại tăng cao - đặc biệt là công phun thuốc bảo vệ thực vật có nơi lên đến 150.000 đồng/ngày nên giá thành sản xuất vụ đông xuân năm nay vẫn cao hơn vụ đông xuân 2010 - 2011 khoảng 378 đồng/kg.

Cùng với yếu tố giá lúa hàng hóa thấp (IR50404) nên lợi nhuận bình quân của nông dân sản xuất vụ đông xuân năm nay thấp hơn năm 2010 - 2011 khoảng 1 triệu đồng/ha, chỉ còn lời bình quân khoảng 17,7 triệu đồng/ha.

Chị Ngô Thị Hạnh (Tổ hợp tác Tân Thới, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành) đang chăm sóc  mạ sân vụ hè thu 2012. 		                                                                                                              Ảnh: N.VĂN
Chị Ngô Thị Hạnh,Tổ hợp tác Tân Thới (Tân Hội Đông, Châu Thành) đang chăm sóc mạ sân vụ hè thu 2012. Ảnh: N.VĂN

Đánh giá “tổng thể” là như vậy, nếu phân tích từng chủng loại cũng có loại cho mức lời “khủng”, ví dụ như lúa thơm, lúa chất lượng cao, đặc biệt đối với giống lúa VD 20 cho lợi nhuận “trên cả tuyệt vời”: trên 26 triệu đồng/ha, cao hơn 8,8 triệu đồng/ha so với vụ đông xuân 2010-2011.

Hiện tại các giống lúa thơm, đặc sản đang được các thương buôn thu mua với giá khá cao trong khi lúa thường được thu mua với giá rất thấp, có nơi nông dân không bán được do thị trường nước ngoài không ăn hàng và thị trường trong nước cũng “no hơi” do sản lượng được sản xuất ra…quá nhiều (?!).

Rõ ràng việc khuyến cáo nông dân và cái chính là nông dân tự nhận thức trồng giống nào là có lợi nhất trong từng vụ mùa (theo khuyến cáo) là cực kỳ quan trọng.

Để có vụ hè thu thắng lợi giòn giã...

Vụ hè thu năm nay tỉnh dự kiến xuống giống 79.315 ha với sản lượng phấn đấu 373.650 tấn. Ông Cao Văn Hóa cho biết, dự báo thị trường tiêu thụ gạo trên thế giới năm 2012 vẫn còn nhiều khó khăn - nhất là đối với các giống lúa có chất lượng trung bình, thị trường xuất khẩu gạo sẽ trầm lắng…

Trong khi đó một số yếu tố khiến chi phí có thể gia tăng như giá xăng dầu tăng; nguy cơ rầy nâu gây hại; lúa xuống giống trong điều kiện nền nhiệt cao, bốc thoát hơi nước lớn nên khả năng chi phí bơm nước, bón phân tăng; giai đoạn trổ - chín và thu hoạch sẽ vào mùa mưa nên chi phí bảo vệ thực vật, phơi sấy cũng sẽ tăng...

Với những nhận định nêu trên, để sản xuất các vụ lúa hè thu đạt thắng lợi, ông Hóa cho rằng phải tiếp tục thực hiện nguyên tắc gieo sạ đồng loạt, tập trung né rầy, căn cứ tình hình thủy văn và thời gian sản xuất 3 vụ lúa trong năm, các địa phương phía Tây của tỉnh (vùng ảnh hưởng lũ) phải đảm bảo thu hoạch vụ hè thu trước 20-9-2012, trước mắt ngay sau khi thu hoạch vụ hè thu sớm phải khẩn trương làm đất và tập trung xuống giống vụ hè thu chính vụ đồng loạt và dứt điểm trong 10 ngày, từ ngày 15 đến 25-6.

Riêng các huyện phía Đông đảm bảo sản xuất vụ hè thu muộn 2012 và đông xuân 2012-2013 thu hoạch trước 15-3-2013. Trước mắt sau khi nông dân thu hoạch lúa đông xuân xong, cần hướng dẫn nông dân không nên đốt đồng mà phải tiến hành ngay việc cày ải, chuẩn bị tốt nhất để xuống giống vụ hè thu.

Tuy nhiên, ông Hóa cũng cho biết, khung thời vụ trên có thể thay đổi, dịch chuyển “nhẹ” tùy điều kiện thời tiết, thủy văn (ví dụ như các huyện phía Đông căn cứ vào thời điểm có mưa, nước ngọt trên sông Tiền, kế hoạch vận hành các hệ thống thủy lợi như dự án Bảo Định, dự án ngọt hóa Gò Công, dự án Phú Thạnh - Phú Đông…) nhưng phải đảm bảo nguyên tắc xuống giống tập trung, né rầy và phải dự tính, dự báo chính xác mật số rầy nâu vào đèn để có biện pháp quản lý hữu hiệu.

Về cơ cấu giống lúa, ngành nông nghiệp tỉnh đưa ra định hướng một cánh đồng chỉ sản xuất từ 1-3 giống lúa được khuyến cáo: Nhóm giống chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như VND 95-20, OM2717, OM2517, OM 6162, OM 5451, OM 4218, OM 5472, OM 6976; giống nếp bè, nhóm lúa đặc sản, lúa thơm như Nàng hoa 9, VD 20, OM 3536, OM 4900; nhóm lúa thường IR 50404, OM 576 (không khuyến khích).

Theo ông Hóa, để gia tăng hiệu quả của sản xuất vụ hè thu năm nay, do nhóm lúa thường tiêu thụ gặp khó khăn, các huyện phía Tây cần hướng dẫn nông dân chọn các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 85-90 ngày, có năng suất cao, phẩm chất tốt, đảm bảo thu hoạch tránh lũ và sử dụng giống lúa xác nhận để gieo sạ (phấn đấu đạt trên 60% diện tích gieo trồng).

Đặc biệt cần duy trì và mở rộng mô hình “Cánh đồng lúa mẫu lớn” gắn với tổ chức liên kết “4 nhà”, gắn doanh nghiệp với vùng nguyên liệu thông qua đầu tư, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục duy trì và mở rộng các mô hình “Sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu, bệnh virus trên lúa”, chương trình “3 giảm, 3 tăng”, chương trình “Cùng nông dân ra đồng”…  đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu làm đất, bơm tát, thu hoạch và sấy lúa nhằm đảm bảo giảm giá thành sản xuất, gia tăng lợi nhuận.

Ông Hóa cũng cho biết thêm, ngành đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Khuyến nông ngay trong vụ hè thu này cần nghiên cứu xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại một số vùng có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn ở khu vực phía Đông để làm nền tảng cho việc bố trí thời vụ, cây trồng nhằm tăng tính hiệu quả đối với sản xuất nông nghiệp khu vực vốn là khó khăn này…

PHÙNG QUỐC ANH

.
.
.