Lập thân, lập nghiệp từ mô hình nuôi dế
Mới 25 tuổi, nhưng anh Nguyễn Hoàng Sơn ở ấp 2 (Tân Hưng, Cái Bè) được tiếng khen là có chí lập thân, lập nghiệp.
Khi còn là sinh viên ở TP. Hồ Chí Minh, lên mạng anh phát hiện mô hình nuôi dế. Thấy phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, điều kiện khí hậu ở địa phương, anh tìm đến một trang trại nuôi dế ở Đồng Nai để học hỏi kinh nghiệm và quyết định về quê thực hiện kế hoạch của mình.
Từ số vốn ban đầu 15 triệu đồng, qua 2 năm, trại dế của anh phát triển khoảng 40m2 với hàng trăm thau, thùng, chuồng nuôi dế được xếp từng tầng, từng hàng ngay ngắn. Trên từng thau, thùng, chuồng đều có dán mẫu giấy cập nhật “lý lịch” dế. Dế lớn, dế nhỏ được anh phân chia cụ thể để tiện việc chăm sóc, vệ sinh, theo dõi số lượng cũng như trọng lượng.
Theo kinh nghiệm của anh Sơn, kỹ thuật nuôi dế khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian. Thức ăn chủ yếu của dế là cỏ, rau muống, vỏ dưa hấu, rau bồ ngót, cám hỗn hợp (thường dùng cám gà) xay thành bột cho dế ăn, bảo quản nơi khô ráo, tránh bị ẩm mốc.
Đặc biệt, dế thuộc họ côn trùng nên rất ít bệnh, vốn đầu tư không lớn, không gây ô nhiễm môi trường, không tốn nhiều diện tích… Nếu so với các con vật khác thì lợi nhuận từ nuôi dế cao hơn nhiều.
Anh Sơn và mô hình nuôi dế. |
Chuồng nuôi dế cũng rất đa dạng, có thể là xô, thau, thùng giấy, chuồng gỗ… Thường thì dế lột xác 3 lần mới xuất bán. Sau mỗi lần lột xác dế lớn nhanh hơn. Từ lúc nở ra cho đến khoảng 45 ngày tuổi là đã có thể bán ra thị trường.
Anh cho biết, nuôi dế quan trọng nhất là phải chú ý khâu vệ sinh chuồng trại, chúng thường bị bệnh tiêu chảy, nguyên nhân là do vệ sinh kém, ăn phải thức ăn thừa, thức ăn bị thiu, mốc... Vì vậy, với phương châm phòng bệnh là chính, thực hiện tốt chương trình “3 sạch”: chuồng sạch, ăn sạch và uống sạch. Đặc biệt, thức ăn chỉ ăn trong ngày, nếu còn dư phải bỏ để tránh bị ôi thiu, ảnh hưởng đến môi trường sống của dế.
Ban đầu anh nhập con giống từ Đồng Nai, về sau để giảm chi phí, anh tìm hiểu và học cách nhân giống. Đến nay, trại dế của anh đã tự túc được nguồn giống. Khi thấy dế mái có những biểu hiện như muốn bay, cánh xòe, bụng lớn là lúc dế sắp đẻ, lúc này anh đặt khay đựng trứng vào. Khay đựng trứng được đúc bằng bê tông có kích cỡ như đồ gạt tàn thuốc, cho vào đó một lớp cát mịn.
Khi thấy các ổ trứng nhân tạo này có biểu hiện cát bị xới bung lên tức là dế đã đẻ xong, trứng ấp khoảng 10 ngày là nở; 1 ổ trứng nở trên 2.000 con, anh chiết ra nuôi trong 3 thau. Nuôi đến lớn hao hụt khoảng 10%.
Dế con mới nở, anh chuyển sang nuôi riêng trong xô nhựa. Lúc này thức ăn của chúng là cám gà hoặc thức ăn cho cá được xay nhuyễn, bỏ vào xô nhựa lót cỏ tươi non cho dế con trú ẩn và nhấm nháp. Mỗi ngày anh cho dế ăn 2 lần: sáng – chiều. Dế lớn và dế nhỏ thức ăn không khác nhau, chỉ khác số lượng.
Dế 20 ngày tuổi được anh chuyển lên nuôi ở các chuồng. Lúc này dế được trú ẩn, leo trèo trên các vỉ tre. Dế đủ tiêu chuẩn xuất bán khoảng 950 - 1.000 con/1kg. Thị trường tiêu thụ dế của anh chủ yếu là Cần Thơ, Vĩnh Long…
Hiện tại, mỗi ngày anh xuất bán khoảng 3kg dế nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Giá từ 75.000 - 100.000 đồng/kg đối với loại dế làm thức ăn cho cá cảnh, chim; từ 150.000 - 250.000 đồng/kg cho dế thịt. Sau khi trừ các chi phí, anh lãi được 50% số tiền bán dế. Ngoài ra, mỗi tháng anh còn bán khoảng 250 kg phân dế cho bà con làm vườn để bón cho cây ăn trái, giá mỗi kg 3.500 đồng.
Bên cạnh đó, anh Sơn còn tận dụng nguồn dế dạt để nuôi rắn mối. Ngoài nguồn giống nhập từ Bến Tre, anh còn bắt từ thiên nhiên. Thịt rắn mối trắng, thơm và ngọt, có giá trị dinh dưỡng cao. Đàn rắn mối của anh hiện đã phát triển được hơn 500 con hứa hẹn sẽ mang lại cho anh nguồn thu nhập đáng kể trong thời gian tới…
Mô hình sản xuất mới có hiệu quả của anh Sơn đang được các bạn trẻ trong xã tìm đến học hỏi để làm theo.
NHƯ DZOÃN