Ngọt hóa Gò Công: Đổi đời miền đất khó
Vùng đất phía Đông của tỉnh khi mới giải phóng chỉ gồm 1 huyện và 2 “Gò” (Chợ Gạo, Gò Công Đông và Gò Công Tây). Đến năm 1987, tái thành lập TX. Gò Công và gần đây có thêm huyện "đảo" Tân Phú Đông.
Bấy giờ, sản xuất nông nghiệp của người dân hết sức khó khăn do cơ sở vật chất còn lạc hậu, bộ mặt nông thôn nghèo nàn, điều kiện sản xuất rất khắc nghiệt bởi nước mặn xâm nhập, ngập trên toàn diện tích.
Cây trồng chủ yếu là cây lúa, diện tích gieo trồng cả năm vỏn vẹn 41.500 ha, chủ yếu gieo cấy vụ mùa, năng suất chỉ từ 2 - 2,5 tấn/ha, sản lượng thời kỳ này chưa bao giờ tới con số 100.000 tấn lúa, bình quân lương thực trên đầu người chưa đến 200 kg/năm, chưa kể nguồn nước chỉ trông chờ “nước trời” nên thường xuyên bị mất mùa.
Nước sinh hoạt rất khan hiếm, nhất là trong những tháng mùa khô, người dân phải đi xa để gánh nước ao, khi hết nước ao phải đổi (mua) nước với giá khá cao mà có người ví von “nước mắc hơn xăng!”.
Cơ cấu kinh tế nông thôn cực kỳ lạc hậu, khu vực I chiếm tỷ trọng lớn tới 90%, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là tự túc - tự cấp, chuyện thiếu gạo ăn trong thời điểm giáp hạt xảy ra thường xuyên, cái nghèo, cái đói cứ đeo bám lấy người dân.
Cống Gò Công. Ảnh: Nguyễn Thiểu |
Dự án Ngọt hóa Gò Công - bấy giờ là một trong những dự án thủy lợi đồ sộ và hiệu quả nhất Nam bộ, có thể xem là “cuộc cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp được triển khai trên địa bàn tỉnh ngay sau ngày 30-4 lịch sử, với sự huy động hàng trăm ngàn ngày công “lao động xã hội chủ nghĩa” của người dân tại chỗ. Diện tích tự nhiên khu vực dự án là 54.000 ha (37.400 ha đất canh tác), bao gồm các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, TX. Gò Công và một phần huyện Chợ Gạo.
Sau gần 20 năm triển khai, chia làm 3 giai đoạn, phát huy hiệu quả “Ngọt hóa Gò Công”, tỉnh đã nhanh chóng triển khai nhiều dự án khuyến nông, khuyến ngư, dự án nạo vét các kinh mương thủy lợi, riêng đề tài “Nghiên cứu mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công - đề xuất hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất đến năm 2010 và các năm tiếp theo” được lập năm 2009 đã góp phần giúp người dân vùng dự án thực hiện chuyển đổi sản xuất, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Nhìn tổng thể, sau khi dự án đi vào vận hành đến nay, sản xuất nông nghiệp và môi trường sinh hoạt của người dân nơi đây ngày càng được cải thiện: Gia tăng diện tích gieo trồng, chuyển từ sản xuất 1 vụ lên 2-3 vụ ăn chắc, hệ số sử dụng đất tăng từ 0,73 lên 2,42; năng suất, sản lượng lúa “đảo chiều ngoạn mục”, từ trên 2 tấn/ha đến nay đã đạt hơn 5,3 tấn/ha, biến các huyện phía Đông trở thành một trong những địa bàn sản xuất lương thực trọng điểm của tỉnh; sản lượng lương thực/dân tăng gấp 5 lần, hiện đã đạt trên dưới 1 tấn/người/năm.
Một điểm sáng nữa là đã giúp nông dân tăng thu nhập trên diện tích đất sản xuất. Đặc biệt từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng lúa - màu đã đem lại thu nhập cho nông dân cao hơn “chuyên canh” lúa từ 2 - 2,5 lần, cá biệt có mô hình cao gấp từ 5-8 lần trồng lúa…
Sản xuất nông nghiệp phát triển có tính bước ngoặt đã thúc đẩy hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ phát triển; các ngành nghề xay xát, chế biến nông sản, xe dây, đan lát, làm chổi, sản xuất thảm lục bình… nhanh chóng mở ra.
Từ đó cũng đặt ra nhu cầu nâng cấp mở rộng chợ thị xã, thị trấn và các chợ nông thôn đã tạo điều kiện lưu thông, phân phối, tiêu thụ hàng hóa do người dân làm ra. Ngoài nhiệm vụ cung cấp nước tưới, Dự án ngọt hóa Gò Công còn có nhiệm vụ tiêu nước, chống ngập úng cho toàn vùng trong những tháng mưa nhiều hoặc triều cường (tháng 9, 10 hàng năm), ngăn mặn triệt để cho khu vực sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, dự án đã cải thiện việc cung cấp nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt của người dân trong vùng. Nếu trước đây nước sinh hoạt và sản xuất chỉ tranh thủ và tận dụng nước trời, người dân phải đào ao, xây hồ, lu, vại để chứa nước mưa, nước ngọt thì hiện nay nhiều công trình cung cấp nước sạch đã được xây dựng, giải quyết phần lớn nước sinh hoạt cho người dân trong những tháng mùa khô.
Nhiều công trình hạ tầng cơ sở cũng được đầu tư phát triển: cầu, đường, trường, trạm, điện sinh hoạt phần lớn đã về đến nông thôn, kể cả những vùng sâu, vùng xa; đáp ứng được nhu cầu về tiện nghi sinh hoạt, xây dựng nếp sống văn minh ở vùng nông thôn.
Dự án ngọt hóa Gò Công đã thật sự phát huy hiệu quả, là nhân tố hàng đầu trong đẩy mạnh sản xuất, phục vụ dân sinh trên khu vực rộng lớn, làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn khu vực phía Đông của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, việc tiếp tục vận hành hiệu quả của Dự án thủy lợi Ngọt hóa Gò Công càng trở nên cực kỳ cần thiết và thực tiễn đã chứng minh: việc luân canh vụ lúa - màu, xen canh màu - lúa, chuyên canh lúa chất lượng cao, kết hợp làm kinh tế trang trại kiểu VAC, VACB (vườn-ao- chuồng-biogas)... là những mô hình đã giúp nông dân “lên đời”, góp phần đổi mới diện mạo nông thôn.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thì cũng cần nhận thấy rằng, sau mấy chục năm vận hành, dự án cũng đã phát sinh một số vấn đề cần phải tiếp tục tập trung giải quyết như:
Hệ thống điều tiết nước chưa được đầu tư đồng bộ nên khi vận hành có nơi thừa nước gây ngập úng, nơi lại thiếu nước; hệ thống đê biển, đê cửa sông một vài nơi đã có hiện tượng sạt lở; một số tuyến kinh chính thường xuyên bị bồi lắng; một số công trình xây dựng đã lâu nay đang xuống cấp sau hơn 35 năm hoạt động; hiện tượng ô nhiễm môi trường nước trong kinh, rạch càng lúc càng trở nên trầm trọng, đặc biệt là vào cuối mùa khô và đầu mùa mưa, ít nhiều đã ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng…
Đó cũng là những vấn đề mới phát sinh đặt ra trong tiến trình phát triển vùng đất thuộc dự án Ngọt hóa Gò Công.
PHÙNG QUỐC ANH