Thứ Sáu, 04/05/2012, 13:40 (GMT+7)
.

Người khai phá đất hoang, xây tổ ấm

32 năm về trước, đang sinh sống ở xã Phú Mỹ (lúc này thuộc huyện Châu Thành), ông Phạm Văn Đực đem “bầu đoàn thê tử” vào Tân Hòa Đông khai hoang sản xuất. Đó là vùng đất khắc nghiệt, nhiễm phèn nặng, thiếu nước ngọt vào mùa khô, khó khăn về đi lại, thiếu thốn đủ mọi bề...

Ngày đó, cả xã Tân Hòa Đông rộng lớn chỉ có chưa đầy 60 hộ dân vào lập nghiệp. Bà con quây quần bên những tuyến kinh mương mới đào, vượt qua gian khổ quyết phá đất hoang, xây cuộc sống mới. Lúc đó gia đình ông được Nhà nước cấp 2,5 ha đất canh tác.

Thiếu vốn liếng, kinh tế khó khăn nên buổi đầu ông chỉ trồng vài liếp khoai mỡ. Thời gian rảnh sau khi thời vụ trồng trọt đã xong ông quay qua nhổ bàng, cắt đưng mưu sinh hàng ngày. Vụ khoai mỡ đầu tiên trúng mùa và trúng giá. Ông bán khoai lấy vốn để đẩy mạnh khai hoang, mở rộng diện tích trồng cho những vụ sau.

Cứ thế, như vết dầu loang, mỗi năm cỏ dại, dây leo lùi dần, thay vào đó là những luống khoai mỡ xanh tốt và bội thu. Trong hơn 30 năm qua, gia đình ông Đực lấy cây khoai mỡ làm đầu cơ nghiệp với năng suất cao, bình quân từ 12 -15 tấn/ha.

Để chung sống với lũ, ông đắp đê bao lửng ngăn lũ để xuống giống khoai mỡ sớm cho thu hoạch bán được giá cao, tránh tình trạng “trúng mùa, đụng chợ” thường hay tái diễn vào mùa thu hoạch rộ hàng năm.

Thông thường, tháng 10 –11 âl khi nước lũ trên đồng rút đi, nông dân bắt đầu xuống giống khoai mỡ chính vụ để đến tháng 5 - 6 âl thu hoạch. Ông Phạm Văn Đực lại làm khác. Ông đầu tư đắp đê bao lửng quanh khu đất trồng khoai mỡ với quy mô cao hơn mặt liếp 0,7 m, mặt đê bao rộng 1 m, chân đê rộng 1,5 m. Đê bao lửng này có thể đảm bảo sản xuất trong những kỳ lũ nhỏ hoặc vừa. Những năm lũ lớn vẫn có thể chủ động bơm tát khi nước bắt đầu rút để xuống giống khoai mỡ sớm.

Nhờ có đê bao lửng, ông xuống giống sớm hơn chính vụ 1 tháng (khoảng tháng 9 âl bắt đầu xuống giống) và thu hoạch vào độ sau Tết Nguyên đán thường rất có giá. Mặt khác, đặc điểm khoai mỡ dễ trồng, thích hợp với đặc thù thổ nhưỡng Đồng Tháp Mười vốn bị nhiễm phèn nặng. Thâm canh tốt, thời vụ thích hợp, bán được giá nên năm nào gia đình ông cũng bội thu. Ngoài ra, ông Đực còn áp dụng mô hình luân vụ khoai mỡ với đậu phộng để cải tạo và nâng độ phì đất canh tác.

Như con tằm nhả tơ, như con ong cần mẫn xây tổ ấm, sau 32 năm lập nghiệp trên Đồng Tháp Mười, ông Phạm Văn Đực dần gây dựng được một cơ ngơi bề thế ở ấp Tân Thuận (Tân Hòa Đông, Tân Phước) với 10 ha đất sản xuất (7,5 ha đất ông mua thêm qua quá trình tích lũy vốn hàng năm); trong đó 5 ha áp dụng mô hình khoai mỡ + đậu phộng, 5 ha còn lại trồng khóm.

Năm 2012, khoai mỡ có giá, gia đình ông trúng lớn. Có lúc khoai mỡ lên cao điểm 12.000 đồng/kg, 5 ha khoai cho sản lượng 75 tấn, gia đình ông bỏ túi trên nửa tỷ đồng. Còn khóm chuẩn bị cho thu hoạch năng suất không dưới 18 – 20 tấn/ha. Giá khóm tính bình quân 2.500 – 3.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông thu 600 – 700 triệu đồng. Không chỉ là người sớm có mặt ở vùng đất khó, 5 năm liền ông Phạm Văn Đực được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh.

MINH TRÍ
 

.
.
.