Tân Hội Đông: Hướng đến đích xây dựng nông thôn mới
Trong những ngày đầu tháng 5 này, ông Ngô Văn Muôn, ấp Tân Thới (Tân Hội Đông, Châu Thành) đang tất bật chuẩn bị mạ sân để cung ứng cho những tổ viên tổ sản xuất lúa giống trong ấp. Không chỉ có ông Muôn, trên những tuyến đường về ấp Tân Thới, mạ gieo trên sân đang được nhiều hộ áp dụng.
Ông Muôn cho biết, phương pháp sản xuất này được tổ áp dụng 2 năm nay. Thời gian đầu, Công ty Nhật Quang cung ứng mạ sân, vật tư và thu mua sản phẩm sau thu hoạch, sau này tổ hợp tác tự túc làm mạ sân. Công ty chỉ thực hiện khâu cung ứng vật tư và thu mua sản phẩm với giá giống lúa xác nhận cao hơn thị trường 700 đồng/kg, giống lúa nguyên chủng cao hơn giá thị trường trên 1.100 đồng/kg.
“Vụ vừa qua dù giá lúa xuống thấp vào thời điểm thu hoạch nhưng mô hình sản xuất lúa giống này vẫn cho lợi nhuận trên 10 triệu đồng/ha. Áp dụng kỹ thuật tiên tiến, năng suất lúa tăng cao, thu hoạch bằng cơ giới giúp giảm thất thoát khâu thu hoạch, lại được công ty cung ứng vật tư, mua sản phẩm với giá cao, nông dân rất phấn khởi. Lợi nhuận từ sản xuất theo phương thức này khoảng 50%” - ông Muôn cho biết.
Đường Kinh Nổi (Tân Hội Đông) đang được trải dal. |
Tân Hội Đông còn có mô hình trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng lúa để quản lý dịch bệnh. Trải qua các vụ lúa, mô hình đang mang lại nhiều lợi ích khả quan, mở ra nhiều cơ hội trong sản xuất lúa bền vững.
Đối với lợi thế về rau màu, năm qua xã cũng đã thành lập tổ hợp tác và mở rộng vùng sản xuất rau an toàn lên diện tích khoảng 20 ha. Tuy đầu ra của tổ hợp tác chưa có nhưng bước đầu đã tổ chức được sản xuất, tạo tiền đề cho những bước đi sau này. Tất cả bước đầu đều tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, góp phần vào hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Nói về những chuyển động xây dựng NTM, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Đó là những kết quả từ sự nỗ lực của các cấp, các ngành và xã trong việc hỗ trợ, tổ chức, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong những năm qua và đặc biệt trong hơn 1 năm nỗ lực xây dựng NTM của xã.
Nhận thức của nông dân đang có sự thay đổi theo hướng liên kết sản xuất, sản xuất gắn tiêu thụ dù chỉ mới ở giai đoạn manh nha. Bên cạnh đó, việc hưởng ứng xuống giống đồng loạt theo lịch thời vụ, đưa cơ giới vào sản xuất... đang được xã củng cố và đẩy mạnh.
Tiếp tục trên đường xây dựng NTM, xã đang tranh thủ các ngành, các cấp hỗ trợ về kỹ thuật cho nông dân, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đưa các mô hình sản xuất tiên tiến về xã cho nông dân áp dụng để tăng hiệu quả.
Ngoài ra, việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án khác của các ngành, đoàn thể, tỉnh, huyện đã góp phần không nhỏ để nâng các tiêu chí và nâng cao đời sống người dân nông thôn như: triển khai cho vay vốn hỗ trợ sản xuất của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nông dân tỉnh.
Song song đó, trong năm 2011 và đầu năm 2012, Tân Hội Đông đã tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho hoàn thành các tiêu chí còn lại. Cụ thể trong năm 2011, xã đã xây dựng được 9 công trình (4 tuyến đường, 5 cầu).
Trong năm 2012, bằng các nguồn vốn, xã tiếp tục đầu tư 4 tuyến (đã hoàn thành 2 tuyến) để làm cơ sở phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành tiêu chí trên. Công trình chợ nông thôn sau thời gian triển khai thi công đã sắp hoàn thành, trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia (kinh phí 3,5 tỷ đồng) đang trong quá trình xây dựng.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tân Hội Đông có nhiều lợi thế trong xây dựng NTM do được đầu tư từ chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện trước khi xã được chọn là điểm. Địa bàn lại nằm gần 2 khu công nghiệp lớn có nhiều thuận lợi trong chuyển dịch cơ cấu lao động theo tiêu chí, thu nhập người dân có điều kiện nâng lên; hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển thuận lợi.
Từ những điều kiện đó cộng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, sự hưởng ứng của nhân dân, trong hơn năm qua, xã đã đạt thêm 2 tiêu chí, nâng số tiêu chí đạt của xã lên con số 7 trong bộ tiêu chí xây dựng NTM.
Bên cạnh thuận lợi, trong quá trình thực hiện, xã cũng nhận thấy không ít khó khăn trong xây dựng NTM. Đó là sự tham gia của chính quyền xã trong việc gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân còn hạn chế; nguồn lực trong dân còn rất lớn nhưng chưa phát huy hết; một số cán bộ, người dân còn hạn chế trong nhận thức xây dựng NTM dẫn đến chậm tiến độ trong thực hiện các công trình.
Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước rất hạn hẹp, việc huy động nguồn lực trong dân rất khó khăn. Qua so sánh, đánh giá thực trạng, lãnh đạo xã xác định, trong các tiêu chí khó thực hiện, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa là khó khăn nhất.
“Đề án đã được phê duyệt trong năm 2011, đồ án quy hoạch đang chờ thẩm định và phê duyệt. Để “xốc” lại chương trình, tới đây xã sẽ tổ chức lễ phát động toàn dân xây dựng NTM. Bằng nguồn lực huy động, sự hỗ trợ vốn từ trung ương đến huyện và sự tháo gỡ khó khăn của các cấp, các ngành, xã sẽ cố gắng khắc phục vướng mắc, phát huy thuận lợi để về “đích” xã NTM vào năm 2015” - Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hương bày tỏ.
N. VĂN