Thứ Tư, 23/05/2012, 08:08 (GMT+7)
.

Tạo đột phá bằng cơ giới hóa trong vụ lúa hè thu

Vụ lúa hè thu sớm ở các huyện phía Tây của tỉnh sắp cho thu hoạch. Đây là vụ mùa mà nông dân gặp nhiều khó khăn do thời tiết, lúa ngã đổ và thiếu công thu hoạch. Vì vậy, vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất lúa càng phải khẳng định và tạo một bước đột phá trong tiến trình canh tác lúa. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp nhận định: Cơ giới hóa chỉ đáp ứng 50% trong vụ lúa hè thu.

TẠO BƯỚC ĐỘT PHÁ

Trước đây, khi các công đoạn trong sản xuất lúa đều thực hiện bằng thủ công thì tổn thất mà nông dân phải chịu ở tất cả các khâu là rất lớn. Theo ước tính của ngành Nông nghiệp thì thất thoát sau thu hoạch từ 12-15%. Vì vậy, từ khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, không chỉ tạo lợi nhuận về kinh tế, còn thay đổi cả tầm nhìn, nhận thức của người dân.

Minh chứng từ thực tế, ông Hồ Văn Hải, ấp Mỹ Tường B (Hậu Mỹ Trinh, Cái Bè) tâm sự: “Gia đình tôi làm lúa đã hơn 40 năm nay, chứng kiến biết bao nhiêu đổi thay. Trước kia, chủ yếu dùng sức người, sức vật; giờ đây từ khâu làm đất đến thu hoạch đều được cơ giới hóa, vừa cho năng suất cao vừa đỡ vất vả cho người làm nghề nông”.

Gần đó, ông Nguyễn Minh Nam chia sẻ: “Lúc trước, mỗi khi vào vụ, nông dân phải quần quật suốt ngày ngoài đồng làm cỏ, đắp bờ, tối mịt mới về nhà. Nhưng từ khi đưa máy móc tiên tiến thay dần công cụ thô sơ thì công việc của nghề nông đỡ vất vả hơn rất nhiều”.

Máy gặt đập liên hợp phải hoạt động vào ban đêm mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ.
Máy gặt đập liên hợp phải hoạt động vào ban đêm mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ.

Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cơ giới hóa nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng là đưa các trang thiết bị, máy móc vào hỗ trợ người sản xuất như: bơm nước, làm đất, cấy sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật, máy thu hoạch, sấy lúa và xay xát lúa gạo… Việc làm này góp phần đưa giá trị hàng hóa nông sản đạt chất lượng và giá thành sản phẩm sản xuất có tính cạnh tranh cao.

“Ngoài những ưu thế mà cơ giới hóa mang lại như rút ngắn thời gian thu hoạch, giảm thất thoát, tăng chất lượng; trong giai đoạn hiện nay, khi nguồn lao động nông thôn đang thiếu trầm trọng, không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp thì việc đưa cơ giới vào sản xuất sẽ giải quyết phần nào vấn đề này” - ông Hóa nói.

NĂNG SUẤT LUÔN TĂNG

Ông Nguyễn Văn Phúc, ấp Phú Tiểu (Phú Nhuận, Cai Lậy) cho rằng: “Sau khi áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa năm nào cũng tăng lên. Năm rồi có hộ đạt tới 10 tấn/ha, nâng tổng lợi nhuận từ 60-70%, thay vì trước đây chỉ  từ 20-25%. Đặc biệt, khi sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch thì lợi nhuận tăng gần 50% so với gặt tay mà không cần lực lượng làm thuê”.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 132 doanh nghiệp có 140 kho chứa lúa gạo, với tổng sức chứa trên 572 ngàn tấn.

Trong đó, có 14 kho lúa gạo của doanh nghiệp do nhà nước quản lý, với tổng diện tích kho khoảng 81.000 m2, sức chứa 151,3 ngàn tấn; số còn lại do doanh nghiệp tư nhân quản lý, với sức chứa khoảng 420,7 ngàn tấn.

Ông Cao Văn Hóa cho biết thêm, tỉnh Tiền Giang có gần 6.500 máy sạ lúa theo hàng, 344 máy gặt đập liên hợp, 550 máy gặt lúa xếp dãy, 396 máy sấy lúa.

Hệ thống cơ giới hóa nói trên đã góp phần không nhỏ trong việc tăng năng suất, nâng cao chất lượng và giảm thất thoát đáng kể khâu thu hoạch lúa.

Đa số nông dân chủ động rất nhiều trong khâu cơ giới hóa. Từ khâu mua máy đến chế tạo ra những máy móc phù hợp, cho năng suất cao hơn. Theo thống kê, năng suất lúa bình quân năm 2011 đạt trên 5,44 tấn/ha, tăng hơn 1 tấn/ha so với những năm trước đây.

Tuy nhiên, việc cơ giới hóa vẫn còn những khó khăn không thể khắc phục một sớm một chiều. Đó là: Mặc dù Tiền Giang nỗ lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng cho vùng nông thôn. Song nhìn lại vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ do diện tích sản xuất nhỏ, manh mún nên rất khó áp dụng cơ giới hóa vào ruộng lúa.

Bên cạnh đó, tập quán sản xuất nhỏ, cá thể của người nông dân chậm thay đổi và khó liên kết trong sản xuất; thiết bị cơ giới còn hạn chế về số lượng, giá thành của các loại máy còn cao, chất lượng chưa đồng đều, không ổn định; doanh nghiệp chưa chủ động đề xuất, tự xây dựng cho mình vùng sản xuất lúa hàng hóa, cũng như ngại đầu tư chiều sâu cho sản phẩm lúa gạo…

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa hàng hóa trong thời hội nhập, việc ứng dụng cơ giới đồng bộ vào sản xuất để tăng năng suất lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo đảm tính thời vụ trong mùa thu hoạch là rất cần thiết. Đối với vụ hè thu đang chuẩn bị bước vào thu hoạch càng cho thấy cơ giới hóa chính là khâu đột phá.

SĨ NGUYÊN

.
.
.