Cùng doanh nghiệp vượt khó
Mặc dù chỉ số giá cả 6 tháng đầu năm của tỉnh ước tính chỉ tăng 1,33% so với tháng 12-2011, thấp hơn hẳn so bình quân cả nước (ước khoảng 2,9-3% theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước thuộc liên bộ Công thương - Tài chính) nhưng dường như liều thuốc kiềm chế lạm phát chưa “đủ đô” để tăng sức mua, giúp doanh nghiệp (DN) vượt khó.
Đầu tư mới giảm, giải thể tăng
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, có 165 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 394 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2011 giảm 27% về số DN và giảm 52% về lượng vốn đăng ký; trong khi đó số DN giải thể lại tăng so với cùng kỳ (có 35 DN xin giải thể so với 29 DN của 6 tháng đầu năm 2011), ấy là chưa kể 6 DN đang xin tạm ngưng hoạt động chờ củng cố lại (!).
Về thu hút đầu tư, từ đầu năm đến nay đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án, giảm 4 dự án (giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2011), tổng vốn đầu tư đăng ký 3.502 tỷ đồng, giảm 57,1% so với cùng kỳ; trong 13 dự án có 7 dự án là đầu tư FDI với vốn đăng ký 3.187 tỷ đồng (giảm 5 dự án, giảm 42% và vốn đăng ký giảm 58,4% so với cùng kỳ) và 6 dự án có nguồn vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 315 tỷ đồng (số dự án tăng 20% nhưng vốn đăng ký lại giảm 36% so với cùng kỳ).
Công nhân Công ty Lihuan Food - Cụm Công nghiệp Tân Mỹ Chánh đang làm việc. Ảnh: Thái Thiện |
Rõ ràng tình hình này đã cho thấy DN có vẻ “chùn bước” trước khó khăn chung - mà theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá là do còn gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, yếu tố đầu vào tăng, lãi vay ngân hàng vẫn ở mức cao...
Cùng doanh nghiệp gỡ khó
Theo báo cáo của Cục Thuế, để gỡ khó cho DN, không chờ Nghị quyết 13 của Chính phủ mà từ đầu năm đến nay ngành Thuế đã tiến hành hoàn thuế gần 240 tỷ đồng cho 153 DN (trong đó trên 235 tỷ đồng là số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, số còn lại là hoàn thuế thu nhập cá nhân, thu nhập DN, tiền thuế nộp dư cho DN giải thể...), tính ra bình quân mỗi DN được hoàn thuế trên 2 tỷ đồng, góp phần giúp DN xoay xở kịp thời trong lúc đang thắt ngặt về vốn.
Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường vừa mới ban hành trong tháng 5 và Thông tư hướng dẫn số 83 của Bộ Tài chính thì để hỗ trợ DN, bước đầu ngành Thuế đã tiến hành ngay việc gia hạn nộp thuế cho 777 DN với số thuế được gia hạn 37,3 tỷ đồng (trong đó có 774 DN vừa và nhỏ với số thuế gia hạn 35,28 tỷ đồng và 3 DN sử dụng nhiều lao động với số thuế gia hạn 2,08 tỷ đồng).
Dù là kết quả ban đầu, song đó là bước “khởi động” ngay sau Nghị quyết 13 như vậy cũng là khá tích cực. Bên cạnh đó, theo nguồn tin từ Văn phòng UBND tỉnh cho biết, ngoài ngành Thuế, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài chính, Tài nguyên-Môi trường, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Kho bạc... cùng tham gia, khẩn trương nắm bắt tình hình khó khăn và xem xét đề nghị của DN để tháo gỡ kịp thời, không để DN đi đến bước giải thể (trừ trường hợp bất khả kháng).
Những giải pháp tiếp theo
Xem ra các giải pháp “giải cứu” DN dù mang lại kết quả nhất định, song nhìn chung vẫn còn dừng lại ở biện pháp nhất thời. Vì vậy về lâu dài rất cần thêm những cơ chế, chính sách và biện pháp đủ mạnh để giúp DN vượt khó.
Ví dụ như phải có chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng như thế nào để DN tiếp cận nhanh và “yên tâm khi đầu tư lớn” - như lời ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL - Tiền Giang năm 2012 tổ chức ngày 13-6 tại Cần Thơ.
Hay nói như ông Lê Minh Trí (Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh) cho rằng cần đưa vào nghiên cứu chính sách kích cầu trong nông nghiệp - nông thôn, bởi “1 đồng hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay đầu tư chiều sâu sẽ huy động hàng chục đồng đầu tư xã hội”; hoặc như ông Nguyễn Tôn Hoàng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp) cho rằng: “Chính sách tín dụng quốc gia cần quan tâm cho toàn vùng ĐBSCL, bởi chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh hàng năm tiếp nhận khoảng 700 ngàn tỷ đồng vốn tín dụng, trong khi toàn vùng ĐBSCL chỉ bằng 1/7 số lượng tín dụng trên”...
Rõ ràng bài toán giúp DN vượt khó đang rất cần có thêm nhiều lời giải không thể chỉ từ phía địa phương. Tuy nhiên, những việc cần làm ngay và hoàn toàn có thể làm được là các ngành, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, thực hiện các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 13 của Chính phủ, tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tháo gỡ khó khăn về sử dụng đất đai, triển khai dự án...
Riêng các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay cần nhận thức, đánh giá đúng tình hình, để tiến hành cơ cấu, sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí không cần thiết, thực hiện liên kết với nhau và thực hiện tốt các chính sách về thuế, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên môi trường, thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thu nhập cho người lao động...
PHÙNG QUỐC ANH