Kinh tế 6 tháng đã có những chuyển biến tích cực
Theo nhận định của lãnh đạo Tổng cục Thống kê trong buổi công bố số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012 tổ chức vào ngày 29-6, từ quý II-2012, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt đối với khu vực công nghiệp và xây dựng.
Theo số liệu công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm ước tính tăng 4,38% so với cùng kỳ 2011, trong đó, tăng trưởng quý I là 4%, quý II là 4,66%. Đây là con số cao hơn một chút so với con số ước tính của Chính phủ hồi đầu tháng 6, tuy nhiên đây vẫn là con số còn thấp và đặt ra nhiều thách thức để hoàn thành mục tiêu 6-6,5% của cả năm.
Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt “mức thấp” do nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhưng kết quả tăng thấp.
Tuy nhiên, từ quý II nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt đối với khu vực công nghiệp và xây dựng. Giá trị tăng thêm của khu vực này đạt lần lượt 4,52% và 5,4%, so với con số 2,94% và 4,03% của quý I.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2012 ước tính tăng 4,5% so với cùng kỳ 2011. Đây là mức thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2011 và mức tăng 8,9% của cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp các tháng của quý II bước đầu có chuyển biến theo hướng tích cực.
Tiền Giang: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 16,75% Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tỉnh Tiền Giang 6 tháng đầu năm 2012 đạt 15.438 tỷ đồng, tăng 16,75% so với cùng kỳ năm trước. Phân tích cho thấy, kinh tế Nhà nước đạt 608 tỷ đống, tăng 25,92%; kinh tế tập thể đạt 98 tỷ đồng tăng 23,37%; kinh tế cá thể đạt 8.333 tỷ đồng tăng 16,90% và kinh tế tư nhân đạt 6.399 tỷ đồng, tăng 15,66%. Phân theo ngành kinh tế thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chủ yếu là ở ngành thương nghiệp đạt 13.629 tỷ đồng, tăng 16,41% so với cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 88,28% tổng số; ngành lưu trú và ăn uống đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 20,41% và chiếm hơn 9,39% tổng số, còn lại là ngành du lịch lữ hành và dịch vụ cũng tăng từ 13,24% đến 15,63%, nhưng chỉ chiếm có 2,33% tổng số. SAO MAI |
Tổng cục Thống kê cũng cho rằng tiêu thụ sản phẩm trong ngành công nghiệp chế biến chậm dẫn đến lượng tồn kho cao. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-6-2012 của ngành công nghiệp chế biến tăng 26% so với cùng thời điểm năm trước (chỉ số tồn kho cùng thời điểm năm trước là 15,9%).
6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ước đạt 36.195 doanh nghiệp (giảm 12,5%) với số vốn đăng ký đạt 232 tỷ đồng (giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, tổng số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm lên đến con số 26.324, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước
Về kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 53,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 6 ước tính đạt 9,9 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 53,8 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011 (mức tăng thấp nhất kể từ sau năm 2009 là năm suy giảm kinh tế).
Điểm sáng kinh tế 6 tháng là chỉ số giá tiêu dùng biến động theo hướng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã giảm 0,26% so với tháng trước và 3 tháng liên tiếp trước đó chỉ tăng thấp ở mức dưới 0,2% theo hướng mức tăng giảm dần. Đây là tháng đầu tiên CPI giảm sau 38 tháng tăng liên tục.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm nay theo giá hiện hành ước tính đạt 431,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34,5% GDP.
(Theo TTXVN)