Lợi thế và giải pháp phát triển cây có múi
Cây có múi chiếm vị trí rất quan trọng trong cơ cấu cây ăn trái ở Nam bộ. Đây là cây trồng có nhiều ưu thế để phát triển nhưng kèm theo đó là những thách thức không nhỏ như dịch bệnh gây hại, hiệu quả sản xuất, tiêu thụ không ổn định.
Lợi thế
Ông Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian gần đây, cây ăn trái ở Nam bộ phát triển rất nhanh về diện tích lẫn cơ cấu cây trồng và sản lượng, trong đó có phần đóng góp quan trọng của cây có múi.
Theo đó, hiện nay, Nam bộ có trên 86.000 ha trồng cây có múi, chiếm 18,45% diện tích cây ăn trái của vùng với sản lượng gần 1 triệu tấn/năm. Riêng tại ĐBSCL, diện tích trồng cây có múi lên đến 74.424 ha.
Điều này cho thấy, thổ nhưỡng, thời tiết của vùng thích hợp cho cây trồng này phát triển, cộng với trình độ canh tác của nông dân ngày càng tiến bộ, góp phần nâng cao vị thế cây có múi so với nhiều cây trồng khác.
Đóng gói bưởi đưa đi tiêu thụ ở thị trường phía Bắc. |
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp, cho biết trên thế giới chỉ có ở ĐBSCL là trồng cây có múi trên liếp đất phù sa và đất nhiễm phèn cho năng suất cao, từ 25-30 tấn/ha. Hiện nơi đây có các loại cây có múi đặc sản nổi tiếng được người tiêu dùng ưa chuộng như bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, quýt hồng, quýt đường…
Từ điều kiện thời tiết, khí hậu, nông dân có thể điều chỉnh cho cây ra hoa và cho trái rải vụ quanh năm phục vụ cho thị trường tiêu dùng cả 12 tháng; khu vực trồng khá tập trung và giảm tổn thất sau thu hoạch. Đây là lợi thế vượt trội mà các địa phương phía Bắc không có được.
Hơn nữa, thời gian ra hoa đến chín đối với cây có múi ở ĐBSCL ngắn hơn từ 30-40 ngày so với cây cùng loại trồng ở nơi có 4 mùa như các tỉnh, thành phía Bắc. Mặt khác, đây cũng là nơi có nhiều loại trái cây có múi được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, độc quyền nhãn hàng hóa… là cơ hội cho tổ chức thu mua, đóng gói, tiêu thụ.
Một ưu điểm khác của loại trái này là bảo quản được lâu, hao hụt trong vận chuyển thấp. “Làm sao để phát triển loại cây ăn trái này theo cung cầu thị trường, sản xuất theo hướng chất lượng để tăng cường khả năng cạnh tranh”- đó cũng là vấn đề ông Tuấn bày tỏ.
Các chuyên gia cho biết, nhu cầu tiêu thụ trái cây có múi ở phía Bắc rất lớn nhưng nguồn cung không đáp ứng đủ. Thế giới cũng đang có nhu cầu lớn đối với loại trái cây này. Theo TS. Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, sản xuất trái cây có múi tăng bình quân 2%/năm vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho tiêu dùng.
Tại Việt Nam, cây có múi có diện tích lớn nhất ở ĐBSCL và chiếm khoảng 60% diện tích trồng loại cây này cả nước. Loại trái cây có chứa chất vitamin C, dưỡng chất làm giảm nguy cơ đột quỵ nên rất được ưa chuộng. Từ đó, việc sản xuất trái cây có múi chỉ phục vụ nhu cầu nội địa cũng rất tốt, chưa nói đến việc xuất khẩu.
Giải pháp căn cơ trước bất cập
Cây có múi là cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chiếm diện tích ưu thế ở các tỉnh, thành Nam bộ, đặc biệt một số vùng đã hình thành nên những thương hiệu nổi tiếng như cam sành Tam Bình, Trà Ôn. Gần đây, vùng Cầu Kè (Trà Vinh), Châu Thành (Hậu Giang) nổi lên là vùng trồng mới rất có hiệu quả.
Tuy nhiên, cây có múi trong vùng phát triển không bền vững, bệnh vàng lá Greening đe dọa các vùng trồng cây này, trong khi đó việc quản lý dịch bệnh rất khó khăn và phức tạp dẫn đến nhiều hộ nông dân khánh kiệt. Mặt khác, việc quy hoạch không theo cung cầu thị trường dẫn đến nhiều hệ lụy.
Theo Cục Trồng trọt, quy mô vườn trồng thường manh mún, nhỏ lẻ (thấp hơn 0,5 ha), rất khó khăn cho cơ giới hóa. Nam bộ có nhiều chủng loại trái cây có múi ngon đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế như bưởi da xanh, cam sành, chanh không hạt nhưng lại không có vùng chuyên canh đúng nghĩa, không có nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn; giống cây có múi chất lượng kém chiếm trên 50% diện tích trồng; thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ… dẫn đến sản xuất thiếu ổn định, ẩn chứa nhiều rủi ro.
Tại Tiền Giang có 11.000 ha cây có múi, trồng tập trung ở 3 huyện phía Tây. Tiền Giang phấn đấu đến năm 2015, có 80% nông dân sản xuất cây có múi được cập nhật sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và có khoảng 30% diện tích sản xuất theo GAP. Hậu Giang đang chú trọng lập quy hoạch vùng cây ăn trái, đặc biệt là cây có múi; tổ chức sản xuất hợp tác, xây dựng nhãn hiệu cho cây có múi, tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng GAP. Còn Cần Thơ định hướng xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực cây ăn trái, trong đó chủ yếu là cây có múi. |
Ông Hoàng Quốc Tuấn chỉ ra thực tế, hiện nay chỉ có bưởi xuất khẩu ra nước ngoài, còn các loại trái cây có múi còn lại quanh quẩn sân nhà.
Giải pháp cho trái cây có múi vươn xa, các chuyên gia và cơ quan chức năng cho rằng cần có quy hoạch vùng trồng, chính sách hỗ trợ nông dân, tránh trồng tràn lan không kiểm soát, phát triển vùng trồng mới, hạn chế trồng lại diện tích cũ, xây dựng chính sách hỗ trợ chặt bỏ cây bị bệnh và trồng cây khác.
Cần có hệ thống nhân giống chất lượng cao, sạch bệnh và hỗ trợ cây giống sạch bệnh để giảm thiểu lây lan mầm bệnh; đồng thời, tổ chức lại sản xuất bằng hình thức thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ nông dân, câu lạc bộ khuyến nông sản xuất cây có múi.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam khẳng định, cây có múi sẽ phát triển bền vững nếu quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch; xây dựng các mô hình điểm rồi nhân rộng.
Các mô hình này phải thực hiện đúng quy trình mà các nhà khoa học đã xây dựng và khuyến cáo; kiên quyết chặt những cây bệnh; trồng giống cây chất lượng. TS. Châu cũng cho rằng, phải sản xuất theo quy trình VietGAP và dần hướng đến xã hội hóa việc thực hiện theo quy trình này. Đến lúc nào đó, sản xuất theo GAP là việc tất yếu phải làm.
Chỉ có sản phẩm an toàn mới đảm bảo việc tiêu thụ bền vững và cũng chỉ có phát triển vùng chuyên canh mới xây dựng logo sản phẩm. Khi đó, nông sản nói chung và trái cây có múi nói riêng mới có giá trị cao hơn.
N. VĂN