Chỉ có tiêm phòng mới bảo vệ tốt đàn heo
Đó là khẳng định của Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Chi cục phó Chi cục Thú y Tiền Giang khi tình hình dịch heo tai xanh đang diễn biến khá phức tạp.
Tiến sĩ Hiếu cho biết, ngoài áp dụng các biện pháp an toàn sinh học thì hiện nay bà con chăn nuôi còn có giải pháp hỗ trợ cần thiết đi kèm – đó là vắcxin tai xanh nhược độc JXA1-R của Trung Quốc. Đây là loại vắcxin có sự tương đồng kháng nguyên của tuýp virút chứa trong vắcxin và tuýp virút gây bệnh đang lưu hành trên đàn heo của tỉnh Tiền Giang. Vắcxin này đã được Cục Thú y khảo nghiệm, thực nghiệm với kết quả hiệu lực và an toàn cao.
Vắcxin JXA1-R của Trung Quốc đã được Cục Thú y khảo nghiệm, thực nghiệm với kết quả hiệu lực và an toàn cao. |
Ở Tiền Giang, vắcxin tai xanh nhược độc JXA1-R của Trung Quốc đã được đưa vào thử nghiệm năm 2010 và sử dụng đại trà năm 2011 trên hộ không có heo bệnh và hộ đang có heo bệnh.
Thực tế, hộ không có heo bệnh sau khi tiêm phòng thì tỷ lệ heo phát bệnh tai xanh chiếm rất thấp, dưới 0,5% (tiêm phòng 200 con heo chưa có dấu hiệu lâm sàng thì chỉ có 1 con có biểu hiện bất thường và chủ yếu là heo con theo mẹ hoặc heo sau cai sữa; các hạng heo khác thường ổn định sau tiêm phòng vắcxin PRRS nhược độc (tuýp JXA1-R) từ 5-7 ngày.
Đối với hộ đang có heo bệnh thì heo phát bệnh sau tiêm phòng chiếm tỷ lệ dưới 15% (tiêm phòng 100 con heo đang có dấu hiệu lâm sàng thì có 15 con được theo dõi và điều trị phụ nhiễm trong 3-5 ngày mà vẫn không có khả năng hồi phục. Số heo còn lại ở nhóm hộ này thường ổn định sau tiêm phòng 7-10 ngày).
Theo Tiến sĩ Hiếu, vắcxin nhược độc JXA1-R của Trung Quốc đã góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch heo tai xanh; đặc biệt trong ổ dịch, vắcxin đã góp phần làm giảm tỷ lệ bệnh và rút ngắn thời gian chống dịch. Chính vì thế, Cục Thú y Việt Nam đã chọn loại vắcxin này đưa vào Chương trình quốc gia khống chế bệnh tai xanh từ năm 2012-2016.
Để biết thêm thông tin về vắcxin nhược độc JXA1-R của Trung Quốc, bà con chăn nuôi liên hệ các Trạm Thú y huyện, thị, thành.
S.N