Khẳng định ưu thế hàng Việt
Hiệu quả dễ thấy từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là số người kinh doanh và sử dụng hàng Việt đã tăng lên mạnh mẽ. Đó là những đánh giá tại hội nghị sơ kết do Ban Chỉ đạo tỉnh về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt” tổ chức vào ngày 8-6.
HÀNG VIỆT TỪNG BƯỚC CHIẾM LĨNH THỊ TRƯỜNG
Bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các cấp, các ngành và đông đảo các doanh nghiệp, cùng các tầng lớp nhân dân hưởng ứng thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả thiết thực.
Cụ thể, người tiêu dùng Việt Nam mua sắm hàng hóa Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Không chỉ vậy, cuộc vận động đã giúp cho các doanh nghiệp và giới kinh doanh nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó là sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và các cơ quan thông tin đại chúng, đã tạo cho cuộc vận động có những chuyển biến rõ rệt trong việc từng bước đưa hàng hóa Việt Nam đi vào đời sống người tiêu dùng.
Hàng Việt đã có nhiều cơ hội đến với người tiêu dùng. Ảnh chụp tại "Phiên chợ hàng Việt" về huyện Gò Công Đông. |
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chủ trương của Bộ Chính trị về cuộc vận động là đúng đắn, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Thông qua cuộc vận động, các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực trong việc sản xuất và cung ứng những sản phẩm có chất lượng, tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng.
Về phía người tiêu dùng cũng đã nhận thức tốt hơn về hàng Việt. Theo đó, việc mua sắm của người tiêu dùng đã có bước chuyển đáng kể, đó là xu hướng chọn mua hàng Việt ngày càng gia tăng, thể hiện được tinh thần yêu nước của người dân. Cuộc vận động cũng đã góp phần tích cực đến việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu nhằm kềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong năm 2011 và những tháng đầu của năm 2012, Sở Công thương và Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch đã tổ chức 14 lượt điểm bán hàng Việt ở nông thôn và 3 Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại 10 huyện, thị, thành của tỉnh, thu hút khoảng 72.500 lượt người tham quan, mua sắm và tổng doanh thu đạt 3,11 tỷ đồng.
Chính các chương trình, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn đã để lại dấu ấn hàng Việt và tạo hiệu ứng góp phần làm thay đổi xu hướng mua sắm hàng Việt ngày càng nhiều hơn ở người tiêu dùng.
Theo ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch tỉnh, hiện có khoảng 85 - 90% hàng hóa Việt Nam được bày bán trong các siêu thị; cửa hàng bán lẻ, bách hóa; cửa hàng của các hợp tác xã thương mại, dịch vụ trong tỉnh… Điều này cho thấy, hàng Việt từng bước đã chiếm lĩnh thị phần và bước đầu tạo được sự tin cậy về chất lượng, mẫu mã, giá cả đối với người tiêu dùng.
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
Theo Ban Chỉ đạo tỉnh về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mặc dù đã có những kết quả tích cực nhưng mục tiêu của cuộc vận động trong năm 2012 là phải đi vào chiều sâu, tạo thành phong trào hành động của mọi tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, để đạt mục tiêu đó cần phải tăng cường quản lý Nhà nước, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng hóa đạt chất lượng, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và định hướng, bảo vệ người tiêu dùng.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt. Bản thân các doanh nghiệp cần phải củng cố và phát triển kinh doanh, tạo uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là công tác tuyên truyền. Công tác này cần được thực hiện một cách cụ thể, thiết thực, nhằm góp phần tư vấn, định hướng cho người tiêu dùng.
Ủy ban MTTQ tỉnh tặng giấy khen cho các cá nhân, tập thể tham gia tích cực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: M.T |
Theo đó, trong năm 2012, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ biên soạn đề cương, tài liệu tuyên truyền về cuộc vận động. Căn cứ vào tài liệu này, các sở, ban, ngành, chính quyền, đoàn thể các cấp cùng với quần chúng sẽ được tuyên truyền bài bản để thực hiện cuộc vận động một cách hiệu quả hơn.
Ban Chỉ đạo tỉnh cũng đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường thêm thời lượng đưa tin, bài tuyên truyền về cuộc vận động; kịp thời phát hiện và tôn vinh những cá nhân, tập thể, đơn vị thực hiện tốt cuộc vận động nhằm tạo sức lan tỏa.
Bà Trần Kim Mai nhấn mạnh, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt kết quả tốt hơn, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của các tầng lớp nhân dân, của các doanh nghiệp thì cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền một cách có trọng tâm, trọng điểm. Các doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng cường xây dựng thương hiệu quốc gia, quốc tế cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam.
Sở Công thương, Sở Tài chính cần có kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm, bán hàng hóa Việt Nam thường xuyên hơn để người dân, nhất là người dân ở nông thôn có điều kiện tiếp cận, mua sắm hàng Việt; cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ một số doanh nghiệp chủ lực, độc lập tổ chức thường xuyên các phiên chợ bán hàng Việt ở vùng sâu, vùng xa.
Các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu xây dựng nội quy thi đua cụ thể trong việc thực hiện cuộc vận động; đồng thời khuyến khích cán bộ, công nhân, viên chức cơ quan mình ưu tiên dùng hàng Việt. Riêng UBND các huyện, thị, thành và cấp xã trong tỉnh cần quan tâm phối hợp, tạo điều kiện về địa điểm, sân bãi, điện, nước, an ninh trật tự cho các doanh nghiệp khi đưa hàng bày bán ở địa phương mình…
PHƯƠNG NGHI