Đầu tư cho tam nông: Không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng...
Những năm qua, đặc biệt từ khi có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (gọi tắt là tam nông), việc đầu tư vào lĩnh vực này được quan tâm và tập trung nhiều hơn. Dù vậy, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế, bất cập.
TẬP TRUNG CHO CƠ SỞ HẠ TẦNG
Đầu tư công cho tam nông trên địa bàn tỉnh trong những năm qua rất được quan tâm. Chỉ riêng giai đoạn từ năm 2006-2011, vốn đầu tư công cho tam nông lên đến 3.110 tỷ đồng. Kết quả, cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn được cải thiện rõ rệt.
Những năm gần đây, cơ giới hóa trong nông nghiệp rất được quan tâm nhưng vẫn chưa giải quyết căn bản nhu cầu khi vào thời điểm thu hoạch lúa. |
Theo Sở NN&PTNT, chính sách, phát luật về đầu tư công cho tam nông triển khai trong những năm qua mang lại kết quả khả quan, đáp ứng yêu cầu về quản lý Nhà nước. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn không ngừng được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo đó, từ nhiều nguồn vốn với những giải pháp tích cực, thủy lợi, giao thông, y tế, giáo dục, thông tin liên lạc, chợ đầu mối, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn… từng bước hoàn thiện, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển và bộ mặt nông thôn được đổi mới.
Trong 6 năm gần đây, ngành đã tập trung đầu tư xây dựng những công trình bức xúc, giải quyết nhu cầu thực tế phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Cụ thể, 49 công trình, hạng mục công trình đầu tư hạ tầng thủy lợi được hoàn thành đưa vào sử dụng đảm bảo nguồn nước, cải tạo phèn, mặn phục vụ cho sản xuất. Có 144 công trình đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt và 19.491 bể chứa nước mưa 1m3 được xây dựng, đưa tỷ lệ người sử dụng nước hợp vệ sinh lên 82,5%.
Trong các lĩnh vực đầu tư công cho tam nông, giao thông chiếm nguồn vốn lên đến 1.546 tỷ đồng. Qua nguồn đầu tư này, bộ mặt nông thôn khởi sắc, việc vận chuyển hàng hóa, đi lại được thông suốt.
Giao thông chiếm lượng vốn rất lớn trong 6 năm qua. |
Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vừa qua về thực hiện chính sách đầu tư công cho tam nông, UBND tỉnh cho biết, khi lập kế hoạch đầu tư công, tỉnh rất quan tâm phân bổ thực hiện đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; đầu tư theo hướng ưu tiên các dự án trọng điểm, các dự án hoàn thành trong năm về kết cấu hạ tầng, công trình phục vụ dân sinh.
Bằng nhiều nguồn vốn, nhiều công trình phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được đầu tư, qua đó hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh từng bước được cải thiện, nhất là cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
CẦN ĐỘT PHÁ KHÂU SẢN XUẤT, TIÊU THỤ
Cơ sở hạ tầng nông thôn chuyển biến mạnh mẽ, diện mạo nông thôn thay đổi. Song, theo đánh giá, việc đầu tư cho lĩnh vực này còn nhiều bất cập, chưa giải quyết cơ bản những vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ, đời sống nông dân còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết, qua các chính sách đầu tư cho tam nông, thời gian qua huyện đã tập trung đầu tư hệ thống đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái, giao thông, y tế, nước sinh hoat, trường học. Tuy nhiên, việc cơ giới hóa phục vụ sản xuất, đầu tư công chưa vào được; đầu tư cho cây trồng, vật nuôi chủ yếu nghiên cứu khoa học, chưa đầu tư nhiều cho sản xuất.
Phòng NN&PTNT Cái Bè nêu lên vấn đề bức xúc tồn lại lâu nay là việc thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng gặp rất nhiều khó khăn, trách nhiệm của doanh nghiệp chưa cao; việc sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều trở ngại…
“Cản ngại đầu tư cho tam nông” Theo Sở NN&PTNT, có một số chính sách về tam nông ban hành chậm, còn gặp khó khăn trong triển khai thực hiện. Đó là quy định quản lý phát triển làng nghề còn nhiều bất cập, chồng chéo, không rõ ràng giữa 2 ngành NN&PTNT và ngành Công thương. Các quy định về chính sách xây dựng hệ thống kho dự trữ lúa ở ĐBSCL ban hành chậm, còn nhiều khó khăn trong thực hiện cho địa phương. Chính sách giữ giá lúa vào mùa thu hoạch bằng hình thức hỗ trợ doanh nghiệp mua lúa tạm trữ thực tế chỉ có lợi cho doanh nghiệp, nông dân không được lợi nhiều. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Việc quy định tỷ lệ nội địa hóa máy móc, thiết bị làm điều kiện hỗ trợ lãi suất không khuyến khích nông dân đầu tư để cơ giới hóa cho lĩnh vực này. |
Các chính sách tín dụng cho lĩnh vực tam nông ngày càng rộng mở giúp nông dân dễ tiếp cận hơn, hạn mức vốn vay cũng được nâng lên đáng kể. Song, người dân vẫn luôn “kêu” thiếu vốn sản xuất trong khi ngân hàng bảo nguồn vốn tín dụng cho tam nông không thiếu.
Lý giải về điều này, giới ngân hàng cho rằng chính hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất không ổn định, cộng với không nắm rõ chính sách tín dụng là nguyên nhân.
Ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, cho rằng hầu hết các công trình đầu tư cho tam nông trong thời gian qua chú trọng nhiều cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đến các mô hình sản xuất, các dự án phát triển sản xuất, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, quy hoạch tiêu thụ sản phẩm...
Muốn thực hiện chính sách tam nông, cần có chính sách hỗ trợ lãi suất để “hà hơi” tiếp sức cho nông dân, mở rộng bảo hiểm trong nông nghiệp, đầu tư cho các đầu mối tiêu thụ nông sản giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm của nông dân.
Nhìn nhận đầu tư công cho tam nông trong những năm qua còn nhiều vấn đề, UBND tỉnh cho rằng các chính sách về phát triển kinh tế trang trại, các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ trong khu vực nông nghiệp; chính sách khuyến khích các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu.
Mặt khác, mức hạn điền thấp, khó có thể tập trung mở rộng quy mô, thu hút đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Các chính sách đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nông, lâm, ngư nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế chưa giải quyết tốt các vấn đề về chất lượng, tiêu chuẩn, thương hiệu sản phẩm nhằm vượt qua rào cản kỹ thuật của thị trường lớn…
Tam nông vẫn chưa hấp dẫn các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Vì thế đầu tư công vẫn chiếm vai trò chủ đạo phát triển tam nông. Dù chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhưng kết quả ban đầu và đang tiếp tục được quan tâm là cơ sở cho tam nông đột phá trong thời gian tới, nhất là khâu sản xuất và tiêu thụ nông sản.
NGÔ VĂN