Dừa khô rớt giá, người trồng dừa điêu đứng
Nhà vườn gặp khó, thương lái “ kêu trời”!
Năm 2011, dừa đã thiết lập giá kỷ lục từ 140.000 – 160.000 đồng/chục (12 hoặc 14 trái) rồi đột ngột xuống mức còn trên 10.000 đồng/chục chỉ trong vòng khoảng 6 tháng khiến nhà vườn và thương lái đều điêu đứng.
Những ngày qua, chúng tôi về các huyện có diện tích trồng dừa lớn như: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, câu chuyện về giá dừa tuột dốc không “phanh” đang là đề tài “nóng” và hầu hết nông dân trồng dừa tỏ ra rất chán nản.
Anh Võ Văn Hòa, ấp Hòa Lạc Trung (Hòa Định, Chợ Gạo) bày tỏ: “Năm rồi, dừa trên 100.000 đồng/chục, giờ chỉ còn trên 10.000 đồng/chục, hỏi sao nông dân không bị sốc. Hơn 10 năm trồng dừa, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh giá dừa lên xuống bất thường như thế này. Những hộ sống chủ yếu vào nguồn lợi từ dừa đang rất khó khăn. Nhiều nông dân “neo” dừa lại không bán chờ giá nhưng càng chờ càng lỗ do giá tiếp tục giảm, chất lượng dừa cũng giảm theo thời gian nên càng khó bán”.
Với 6 công trồng dừa, trước đây, mỗi tháng hái được vài trăm dừa, anh Hòa thu được từ 2,5 - 3 triệu đồng, giờ đây chỉ còn vài trăm ngàn đồng, không đủ cho chi phí phân bón, chăm sóc và hái dừa nói chi đến lo việc khác.
Anh Bảo, chủ cơ sở thu mua dừa ở xã Hòa Định (Chợ Gạo) “kêu trời” vì dừa tồn đọng không bán được. |
Anh Trần Hùng Ninh, ấp Bình Trung (Thạnh Nhựt, Gò Công Tây) lắc đầu ngao ngán: “Lúc dừa đang ở mức cao, nông dân biết sẽ có lúc giảm nhưng không ai nghĩ thấp đến mức như thế này. Nhiều nơi ở vùng sâu, dừa đến thời điểm hái, nhà vườn kêu thương lái nhưng không có ai đến mua”. Ông Ninh nói, đa số dân nơi đây còn khó khăn, bên cạnh vài công lúa, mỗi hộ chỉ có vài chục cây dừa để trang trải cho chi phí sinh hoạt hàng tháng. Giá dừa thế này khó khăn càng chồng chất.
Không chỉ người trồng gặp khó, các thương lái cũng “kêu trời” vì tồn đọng dừa không bán được. Chúng tôi ghé vào cơ sở thu mua dừa ở ấp Mỹ Thạnh (Hòa Định, Chợ Gạo). Dừa khô chất đầy ngoài sân và trong trại, đến nỗi lên mốc, lên mộng.
Chị Nguyễn Thị Cúc, chủ cơ sở cho biết, hiện nay các doanh nghiệp thu mua dừa ở Bến Tre “ăn hàng” rất chậm, trong khi mỗi ngày cơ sở chị vẫn phải tiếp tục mua dừa vào để giữ mối. Tiêu thụ không kịp, giá dừa giảm liên tục, người mua “ôm” hàng chịu lỗ. “Trước đây mỗi ngày, cơ sở của tôi cung ứng từ 3-4 thiên dừa. Hiện nay, trung bình một tuần tôi chỉ bán được khoảng 2-3 thiên dừa” - chị Cúc nói.
Lý giải nguyên nhân giá dừa lao dốc nhanh, anh Bảo, chủ cơ sở mua bán dừa nơi đây cho biết, các doanh nghiệp thu mua dừa đã tạm ngưng hoạt động do tiêu thụ khó khăn, không xuất khẩu được. Theo anh, phần lớn dừa tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Năm rồi, thương lái Trung Quốc đưa tàu vào tận nơi mua làm giá dừa tăng vọt, giờ họ đã rút hết, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ trong nước không tăng dẫn đến lượng dừa tồn đọng cao.
“Cơ sở của tôi còn tồn đọng khoảng 40 thiên dừa. Trong tình hình này, chúng tôi đành chọn những dừa tốt đưa đi bán trái, những trái nào quá khô, chất lượng giảm chuyển sang làm cơm dừa sấy để bán. Dù lỗ cũng phải làm để giữ nhân công” - anh Bảo cho biết.
Ngoài ra, theo giới phân tích thị trường, giá dừa giảm thời gian qua còn do nguyên nhân dừa thế giới trúng mùa và tác động của tình hình kinh tế thế giới dẫn đến nhiều nước giảm nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm dừa đã kéo giá dừa xuống mạnh.
Tìm giải pháp giữ vị thế và diện tích vườn dừa hiện tại
Giá dừa giảm mạnh và chưa có dấu hiệu “đổi chiều”, nhiều nông dân trồng dừa chuyển sang bán dừa lấy nước uống. Song, do dân đổ xô bán dừa kiểu này, những ngày qua, giá dừa bán uống nước cũng đang giảm từ 40.000 đồng/chục xuống chỉ còn từ 30.000 - 35.000 đồng/chục.
Trước sự chuyển hướng tiêu thụ này, nhiều nhà chuyên môn cảnh báo, nếu giá dừa bán để uống nước giảm, nông dân phải mất khoảng 6 tháng mới có dừa khô trở lại. Khi giá dừa khô thay đổi theo hướng tốt hơn, nông dân không có dừa để bán.
Trong khi đó, trước việc giá dừa rớt mạnh, không ít nông dân lơ là đầu tư, chăm sóc vườn dừa. Ông Nguyễn Văn Thinh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo cho biết, giá dừa hiện nay không đủ chi phí cho công chăm sóc, nông dân bắt đầu bỏ bê. Điều này đặt ra vấn đề, khi cần phục hồi, nhà vườn phải bỏ ra nhiều chi phí và phải mất thời gian ít nhất 12 tháng.
Giá dừa giảm mạnh kéo dài, nếu diễn biến này tiếp tục trong thời gian tới, người dân có thể sẽ chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn. Và điệp khúc "trồng rồi đốn" lại diễn ra.
Anh Nguyễn Văn Bền, nông dân trồng dừa cũng là chủ cơ sở thu mua dừa ở ấp Bình Trung (Thạnh Nhựt, Gò Công Tây) nói, trước đây giá dừa cao nhiều người chuyển đổi từ các cây trồng khác sang trồng dừa; giờ đây họ đang lưỡng lự không biết có nên đốn hay tiếp tục trồng. Nếu để lại thì lo giá dừa còn giảm tiếp tục, còn đốn thì tiếc công sức chăm sóc, chi phí bỏ ra.
Trước đây, nông dân đã từng đốn dừa trồng nhãn sau đó không lâu lại đốn nhãn trồng dừa. Giá dừa tiếp tục giảm kéo dài, việc người dân chuyển đổi sang cây trồng có hiệu quả hơn là điều khó tránh khỏi. Trước mắt, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại dù khó khăn về thu nhập do giá cả, người trồng dừa vẫn chưa vội chuyển đổi mà đang tiếp tục thăm dò trước khi quyết định giữ hay đốn.
Trước diễn biến này, ông Thinh cho biết, quan điểm của ngành Nông nghiệp huyện là giữ vị thế và diện tích dừa hiện tại. Muốn làm được điều này, một mặt ngành đã và đang tiếp tục xây dựng, hướng dẫn các mô hình trồng xen các cây trồng khác vào vườn dừa để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Đồng thời khuyến cáo người dân cần bình tĩnh trước những diễn biến bất thường của thị trường. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng dừa được vay vốn ưu đãi để giữ và chăm sóc cây trồng này.
N.VĂN