Thứ Tư, 13/06/2012, 10:13 (GMT+7)
.

Đừng để tổn thất & mất thương hiệu gạo

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) gần đây liên tiếp đưa ra những khuyến cáo đối các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhằm tránh tổn thất và mất uy tín thương hiệu gạo Việt Nam.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA đồng thời là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam, vừa chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên “hết sức chú ý để tránh tổn thất, hậu quả” khi ký hợp đồng xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, đã có dấu hiệu cho thấy thị trường này đang tìm mọi cách để hủy hợp đồng mua gạo đã ký với Việt Nam.

Họ sử dụng các hàng rào kỹ thuật để từ chối nhận hàng khi đến cảng hoặc hủy hợp đồng. Ngoài ra, các thương nhân Trung Quốc đang có yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam trộn gạo thơm vào gạo trắng khi thương lượng hợp đồng xuất khẩu.

Tổng Công ty Lương thực miền Nam chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tuyệt đối không chấp nhận các yêu cầu của thương nhân Trung Quốc vì sẽ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng gạo thơm của Việt Nam.

Chuyển gạo xuống tàu xuất khẩu.
Chuyển gạo xuống tàu xuất khẩu.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong kinh doanh lương thực, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát cho rằng, một số thương nhân Trung Quốc mua gạo không được “nghiêm chỉnh, ngay ngắn” như một số đối tác khác.

Phân tích thêm về cảnh báo của VFA, ông Lâm Anh Tuấn cho rằng, VFA thông tin cho các doanh nghiệp tập trung vào 2 vấn đề: Một là một số hợp đồng mà thương nhân Trung Quốc đã ký trước đây có giá hơi khá thì nay có hiện tượng muốn hủy hợp đồng do mặt bằng giá thế giới đang thấp. Chẳng hạn, Ấn Độ đang chào giá gạo 5% chỉ còn 405 USD/tấn thì các hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp Việt Nam với giá 420-430 USD/tấn trước đây nên có hiện tượng thương nhân muốn hủy hợp đồng này.

Thứ hai là do hiện tượng chạy theo lợi nhuận, một số thương lái Trung Quốc đặt vấn đề mua gạo Jasmine của Việt Nam nhưng chỉ mua 70% gạo Jasmine và pha với 30% gạo 5% thường để hình thành nên thương hiệu gạo Jasmine nhằm giảm giá thành nhưng chất lượng kém. Chính vì vậy, VFA đã nhanh chóng cảnh báo nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu gạo của Việt Nam.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thật ra thương nhân Trung Quốc mua gạo Việt Nam đã nhiều năm nhưng đa phần mua qua đường tiểu ngạch mà không qua hình thức thanh toán quốc tế, chỉ theo kiểu “tiền trao cháo múc”.

Khách hàng Trung Quốc mua đủ loại gạo, kể cả gạo 5%, 25%, gạo thơm, tấm nhưng thường là gạo 5% và tấm. Từ đầu năm 2012, do giá gạo xuống thấp nên một số thương gia Trung Quốc chấp nhận ký hợp đồng trực tiếp theo con đường chính ngạch.

Tuy nhiên hình thức này lại tiềm ẩn một số rủi ro. Chẳng hạn, có một số trường hợp ký hợp đồng theo hình thức TT (chuyển tiền), sau khi giao hàng xong lấy tiền mà không qua ngân hàng bảo đảm. Do vậy, vừa rồi VFA cũng có văn bản cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu: Khi xuất hàng xong phải tranh thủ ký bộ hồ sơ gốc về thanh toán, nếu không phải giữ tàu lại để tránh tổn thất, còn bán gạo theo hình thức tiểu ngạch thì rất khó kiểm soát và quản lý.

Theo VFA, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các thương nhân Trung Quốc được hơn 1,1 triệu tấn gạo, chưa kể tiêu thụ theo đường tiểu ngạch nhưng thật ra các doanh nghiệp mới xuất hàng được khoảng 50%.

Đối với hơn 400.000 tấn gạo đã ký với khách hàng còn lại, VFA cũng đã ra văn bản khuyến cáo các doanh nghiệp hội viên và các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo phải khẩn trương thúc hối đối tác lấy hàng vì nếu trong tháng 6 không giao được hàng hợp đồng đã ký có thể bị hủy, do tháng 7 Trung Quốc đã có thu hoạch lúa.

Mặt khác xu thế mặt bằng giá thế giới cũng đang xuống nên khả năng hủy hợp đồng đã ký trước đây rất có thể xảy ra. Điều nữa, đa phần khách hàng Trung Quốc ký hợp đồng giao hàng bằng container trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang bị động do vừa không đủ container và không đủ bãi để đóng hàng nên doanh nghiệp xuất khẩu cần đàm phán chuyển sang giao hàng bằng tàu để giải phóng hàng.

Ông Lâm Anh Tuấn cho biết thêm, xuất khẩu gạo hiện nay hết sức khó khăn. Giao dịch trên thị trường đang trầm lắng do tình hình chung của thị trường thế giới. Ví dụ như Thái Lan số lượng gạo xuất 5 tháng đầu năm giảm 40%, tồn kho trên 11 triệu tấn, trong khi đến tháng 11-12 là đến mùa thu hoạch nên buộc lòng Thái Lan phải giải phóng hàng.

Trong khi đó, các đối tác nhập hàng gạo đang “nghe ngóng” tình hình tồn kho của Thái Lan hay Ấn Độ để đưa ra mức giá giao dịch. Do đó, vụ hè thu tới được dự báo sẽ rất khó khăn, chưa kể chất lượng lúa hè thu không bằng vụ đông xuân.

Còn theo đại diện VFA, giao dịch gạo thị trường thế giới hiện nay hình thành 3 khung giá rõ nét, trong đó khung giá thấp nhất gồm các nước Ấn Độ và Myanmar. Cuối tháng 5, đầu tháng 6-2012, giá gạo 2 nước này giảm khá sâu. Gạo 25% tấm của Ấn Độ từ 410 USD/tấn xuống còn 350-360 USD/tấn, gạo của Myanmar từ 340 xuống còn 325 USD/tấn. Loại gạo 5% tấm từ 450 USD/tấn xuống còn 390 USD/tấn.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các nước trúng mùa, cộng với việc tồn kho đang rất lớn nên cần bán bớt để có thể mua vào lượng gạo mới thay thế…

THẾ ANH

.
.
.