Thứ Ba, 05/06/2012, 07:45 (GMT+7)
.

Giống khóm Queen - nông dân “tự bơi” và chờ dự án

Huyện Tân Phước hiện có 14.200 ha khóm, là một trong những vùng nguyên liệu khóm lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, điều bất cập là đến nay, Tân Phước vẫn chưa có một cơ sở nào nhân giống khóm để cung cấp cho nông dân. Chính vì vậy, nông dân phải “tự bơi” để tìm cây giống, không đảm bảo chất lượng, từ đó ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái khóm.

Anh Lê Hà Tây ngụ ấp Tân Thuận (Tân Hòa Đông) trồng 3 ha khóm, nhưng anh cũng không biết rõ tên giống khóm. Khi mua khóm con, anh chỉ xem đám khóm nào tốt thì mua cây giống về trồng.

Nói về khóm giống, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Đông Nguyễn Thị Ánh Nguyệt tâm tư: Hiện nay, toàn xã có 1.303 ha khóm, trong đó diện tích trồng mới trong năm 2011 là 602 ha. Trung bình mỗi ha xuống giống mới cần 25.000 cây giống. Như vậy nông dân cần hơn 15 triệu cây giống. Tuy nhiên, do hiện nay huyện chưa có cơ sở nhân giống cây khóm nên bà con cứ sử dụng giống lẫn nhau.

Cách nhân giống hiện nay của nông dân là khi thu hoạch khóm, thấy trái nào đạt chất lượng thì lấy chồi giăm. Đến khi cây giống khóm đạt chiều cao 20 - 30 cm thì trồng hoặc bán cho người khác, với giá từ 350 - 400 ngàn đồng/1.000 cây giống.

Nông dân Tân Phước phải
Nông dân huyện Tân Phước phải "tự bơi" để tìm giống cây khóm.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Phước Huỳnh Văn Bườn cho biết, khóm đang được nông dân Tân Phước trồng là giống Queen, với 3 dạng: hình trụ đều, trái ngắn - mập và hình chóp. Hàng năm, ước tính diện tích trồng mới khoảng 1.000 ha. Như vậy, mỗi năm nông dân huyện Tân Phước cần hàng trăm triệu cây giống khóm.

Nếu nông dân có kinh nghiệm thì chọn giống khóm có dạng trái hình trụ đều, vì cây khóm Queen có dạng trái này chất lượng tốt, năng suất cao. Ông Bườn thừa nhận: Do chưa có cơ sở sản xuất cây giống khóm nên bà con nông dân thường mua giống trôi nổi, chưa được tuyển chọn kỹ và có thể bị nhiễm bệnh rệp sáp, khô đầu lá. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất của trái khóm.

Trước thực trạng đó, Dự án "Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển" thuộc Chương trình khí sinh học (QSEAP) Tiền Giang đã hỗ trợ thay thế giống khóm cho 3 xã: Thạnh Mỹ, Thạnh Tân và Hưng Thạnh.

Anh Nguyễn Văn Trung, cán bộ Phòng NN&PTNT Tân Phước cho biết, dự án đã triển khai thực hiện từ năm 2011, với quy mô mỗi xã 8 ha/10 hộ. Đối tượng được hỗ trợ của dự án là nông dân có nhu cầu thay thế vườn khóm đã già cỗi nhưng thiếu vốn.

Dự án cung cấp cây giống khóm đến từng hộ dân, với 25.000 cây giống/hộ. Cây giống khóm hỗ trợ cho nông dân là giống khóm Queen, đạt chất lượng tốt. Đến nay, sau gần 4 tháng trồng, khóm phát triển tốt. Giống khóm chất lượng cao này có tính kháng sâu bệnh, dịch hại nên giảm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu.

Năm 2012, dự án tiếp tục hỗ trợ cây giống khóm cho 30 hộ của nông dân ở 3 xã: Thạnh Mỹ, Thạnh Tân và Hưng Thạnh, với 30 ha. Bên cạnh đó, dự án QSEAP Tiền Giang còn tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng khóm để nông dân áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Hiện tại, nhu cầu cây giống khóm sạch bệnh có năng suất và chất lượng là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cây giống khóm Queen trong dân không đảm bảo sạch bệnh, chất lượng và năng suất thấp, không đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chính vì vậy, UBND tỉnh đã phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình nhân giống khóm Queen (do UBND huyện Tân Phước làm chủ đầu tư) để tháo gỡ khó khăn cho vùng nguyên liệu khóm Tân Phước.

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cần thiết cho sản xuất giống khóm; đào tạo cán bộ làm công tác giống và chuyển giao kỹ thuật về sản xuất giống khóm; sản xuất cây giống khóm Queen chất lượng cao phục vụ cho vùng chuyên canh khóm Queen theo hướng sản xuất an toàn.

Dự án triển khai tại xã Phước Lập, với diện tích gần 12 ha, quy mô nhân giống đạt công suất 5 triệu cây, với tổng vốn đầu tư gần 8,4 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự án trong 2 năm. Tuy nhiên, dự án này dù đã được UBND tỉnh phê duyệt từ ngày 14-10-2011, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai do không có vốn.

Trước thực trạng đó, UBND huyện Tân Phước đã kiến nghị và được UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tách riêng phần xây dựng cơ bản trong dự án nhân giống khóm Queen để triển khai thực hiện trong năm 2012.

Cây khóm xuất hiện trên đất phèn chua Tân Phước từ năm 1979, đến giai đoạn 1996-2000, khi khâu làm đất được cơ giới hóa thì diện tích khóm nhanh chóng được mở rộng và trở thành cây chủ lực của huyện. Hy vọng trong một vài năm tới, người dân trồng khóm sẽ được tiếp cận với nguồn cây giống khóm đạt chất lượng để nông dân không phải “tự bơi” trong việc tìm nguồn giống. 

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.